Hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là một nội dung của thể chế phát triển. Trong quá trình đổi mới đất nước, thể chế này từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.
Bài viết hướng đến phân tích làm rõ tính tất yếu phải hoàn thiện thể chế mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam hiện nay và làm rõ các nội dung hoàn thiện thể chế mối quan hệ này theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Tính tất yếu phải hoàn thiện
Thứ nhất, thể chế mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là một nội dung của thể chế phát triển và là nền tảng quan trọng của quản trị quốc gia. Xử lý đúng đắn, kịp thời mối quan hệ này nhằm “giải phóng các nguồn lực, tạo động lực phát triển, phát huy dân chủ và giữ vững định hướng phát triển”. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chủ động phối hợp với các chủ thể khác cùng Nhà nước hoạch định, thực thi chính sách công và cung ứng dịch vụ công.
Thứ hai, Nhà nước, thị trường và xã hội luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Nhà nước trong mối quan hệ với thị trường và xã hội: Nhà nước là một thiết chế công quyền đặc biệt, với những công cụ và phương thức chuyên biệt, đủ khả năng để điều hành, dẫn dắt các chủ thể khác thực hiện theo ý chí của mình. Sự hiện diện của Nhà nước nhằm giải quyết hai vấn đề: thứ nhất, giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra mà không có một chủ thể nào khác có đủ khả năng thực hiện (thiết lập, duy trì trật tự chung cho toàn xã hội; giữ gìn an ninh, quốc phòng; thiết lập và duy trì quan hệ đối ngoại; thiết lập các nền tảng cho hoạt động kinh tế, xã hội; điều hòa lợi ích). Thứ hai, thực hiện một số hoạt động tạo lập giá trị công, như cung cấp dịch vụ công, tạo lập hạ tầng kinh tế - xã hội với phạm vi quốc gia, vùng, khu vực, điều mà các chủ thể khác không có đủ khả năng thực hiện hoặc không muốn thực hiện vì nguồn lực quá lớn, thời gian đầu tư rất lâu, khó thu hồi vốn.
Trong mối quan hệ với thị trường và xã hội, Nhà nước luôn là “nhạc trưởng”, giữ vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt, tạo lập, điều phối và xử lý các tình huống khẩn cấp hoặc là những nguy cơ đe dọa đối với sự bền vững phát triển. Nhà nước tác động đến thị trường và xã hội bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Với ưu thế của mình, Nhà nước áp đặt sức mạnh vật chất của quyền lực công lên toàn xã hội, từ đó làm nảy sinh những “khiếm khuyết” mà không thể tự khắc phục, đó là tính ỳ, quan liêu, cửa quyền, tùy tiện... Vì thế, Nhà nước cần thị trường và xã hội tạo “áp lực” để thay đổi, hoàn thiện bản thân; đồng thời khắc phục những hạn chế, bổ sung nguồn lực và gia tăng kiểm soát.
Thị trường trong mối quan hệ với Nhà nước và xã hội: Thị trường “đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém”, qua đó cung cấp môi trường cho các chủ thể kinh tế trao đổi, thực hiện lợi ích của mình; kích thích sự sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội, tạo ra cách thức phân bổ nguồn lực hiệu quả; bảo đảm sự thỏa mãn lợi ích kinh tế của các chủ thể khi tiến hành hoạt động kinh tế .
Xã hội trong mối quan hệ với Nhà nước và thị trường: Xã hội là không gian rộng lớn, liên kết các cá nhân, các tổ chức với nhau, tạo thành mạng lưới gắn kết với nhau ở các mức độ khác nhau. Thông qua các cá nhân, tổ chức, xã hội “có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp Nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật” .
Nhà nước, thị trường và xã hội cần được nhìn nhận như những mặt bổ sung cho nhau, cùng đảm đương việc “kiềm chế và đối trọng”, nghĩa là bổ khuyết, thúc đẩy nhau chứ không phải là thay thế, triệt tiêu nhau trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế. Nếu tuyệt đối hóa một mặt nào của “bộ ba” Nhà nước, thị trường và xã hội thì sẽ “gây nên những xung đột, làm trầm trọng thêm “khuyết tật” của từng thành tố, thậm chí đối nghịch nhau”. Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là một trong những mối quan hệ cơ bản, quan trọng được Đảng ta đề ra trong Đại hội XIII và cần được nhận thức rõ và giải quyết tốt.
Thứ ba, thể chế mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Đánh giá tổng thể hệ thống thể chế ở Việt Nam sau 35 đổi mới toàn diện đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã nhận xét thẳng thắn: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn”. Hệ thống pháp luật là nòng cốt của thể chế mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, trong đó, thể chế tổ chức, hoạt động của Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, các quy định về “chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế”; thể chế thị trường còn nhiều vướng mắc, “chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp”…
Nội dung hoàn thiện theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Hoàn thiện thể chế mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cần: tiếp tục tạo lập môi trường pháp lý toàn diện, đồng bộ, thống nhất để các chủ thể này thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; hoàn thiện tổ chức, hoạt động nhà nước; hoàn thiện các thị trường; phát huy vai trò của xã hội; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Thứ nhất, tạo lập môi trường pháp lý toàn diện, đồng bộ, thống nhất để Nhà nước, thị trường và xã hội phát huy đầy đủ vai trò của mình. Để phát huy vai trò của Nhà nước, Đại hội XIII yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm “xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền” và kiểm soát quyền lực “bằng pháp luật” nhằm thực hiện mục tiêu “nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế và chính sách”, bên cạnh đó, “hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp” làm cơ sở chính trị nhằm cụ thể nội dung hiến định: “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”…
Thứ hai, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của thiết chế nhà nước, thị trường và xã hội. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trong đó: Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Chính phủ tiếp tục đổi mới và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định, trong đó hướng đến “xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả”.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả “quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở các quy luật thị trường. Tăng cường công tác giám sát, chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường, không can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường”. Sự vận hành của Nhà nước phải tuân thủ nghiêm túc “nguyên tắc pháp quyền” để giải quyết tốt mối quan hệ giữa “Nhà nước, thị trường và xã hội”, trong đó, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Các chủ thể trong quản lý phát triển xã hội phải được xác định rõ vai trò của mình đối với sự phát triển và thực hiện tốt vai trò đó của mình, không lấn sân, làm thay nhau, chủ thể nào có thể đảm nhận tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển thì phải được trả về đúng vai trò của mình, đặc biệt, Nhà nước không ôm đồm, đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ, trong khi đó, có những nhiệm vụ có thể giao cho thị trường, cho xã hội đảm nhận để cùng gánh vác trách nhiệm với Nhà nước, đồng thời thu hút thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia vào khu vực công để giảm tải cho khu vực công...