Hoãn xử vụ 22 bị cáo gây thiệt hại 460 tỉ đồng, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Sáng 25-9, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2), nhưng phiên xử đã phải trì hoãn.
Tuy nhiên, trong phần thủ tục phiên tòa, thư ký phiên tòa cho biết bị cáo Nguyễn Anh Sơn (cựu Giám đốc chất lượng của Nhà thầu thi công gói thầu A5, dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi) không có mặt. Nguyên nhân, vợ bị cáo trình bày, do bị cáo này đang cấp cứu tại Bệnh viện Hà Đông và có trình tòa các giấy tờ liên quan.
Về sự vắng mặt của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng sự có mặt bị cáo là cần thiết, nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng đề nghị hoãn phiên tòa. Sau khi hội ý, HĐXX thấy rằng việc bị cáo vắng mặt do phải cấp cứu là lý do chính đáng nên quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào 16-10 tới đây.
Ngoài ra, trong phần thủ tục, luật sư cho biết Tập đoàn Posco E&C, đơn vị được triệu tập với tư cách bị đơn dân sự cũng có đơn đề nghị hoãn phiên tòa với lý do Posco E&C có đơn khiếu nại về kết luận giám định nhưng đến nay chưa được trả lời. Về nội dung này, Chủ tọa phiên tòa cho biết sẽ được giải quyết trong phiên tòa.
Theo cáo buộc, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và do Tổ chức tư vấn CDM Smith Inc của Mỹ thực hiện giám sát thi công.
Phụ trách thi công đều là những tập đoàn lớn của nước ngoài gồm Lotte E&C, Posco E&C (Hàn Quốc); Shandong Luquao Group - Sơn Đông, Jiangsu Provincial - Giang Tô (Trung Quốc). Việc chỉ dẫn kỹ thuật do liên danh các nhà thầu Nippon Koei - Nippon Engineering (Nhật Bản) - Chodai và Thai Engineering (cùng từ Thái Lan) thực hiện khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán.
Dự án có thời gian tính toán dự báo giao thông là trên 20 năm kể từ năm đầu tiên đưa đường vào sử dụng, trong đó thời hạn tính toán cho mặt đường là trên 10 năm. Tuy nhiên, khi mới đưa vào vận hành khai thác, trên toàn tuyến đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông, gây bức xúc trong dư luận.
Kết quả điều tra tuyến đường 74 km thuộc giai đoạn 2 (5 gói thầu) xác định 22 bị cáo thuộc Chủ đầu tư dự án, Ban QLDA, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử đến thi công đại trà các lớp vật liệu.
Khi tiến hành nghiệm thu, không thực hiện đo cường độ mô đun đàn hồi trên các lớp vật liệu. Có nhiều hạng mục thi công tiến hành nghiệm thu không có sự tham gia của đại diện Ban QLDA. Hội đồng nghiệm thu cơ sở không tiến hành nghiệm thu hoàn thành chuyển bước giai đoạn thi công tổng thể nền đường, tổng thể mặt đường.
Các hành vi này vi phạm quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn nhưng vẫn lập hồ sơ nghiệm thu hoàn thành công trình, đánh giá chất lượng thi công đảm bảo để được thanh toán và đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
VKS cáo buộc, hành vi của của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa vào vận hành và hư hỏng sau đó. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỉ đồng tại giai đoạn 2.
Trong số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử có 20 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng" và 2 bị cáo bị xem xét về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".