Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý

Sáng 3/10, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thị xã La Gi tổ chức Triển lãm số 'Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý' tại Trường THPT Lý Thường Kiệt.

Đại biểu tham dự triển lãm số tại Trường THPT Lý Thường Kiệt

Đại biểu tham dự triển lãm số tại Trường THPT Lý Thường Kiệt

Tham dự có ông Nguyễn Lê Thành – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, bà Đặng Thị Hồng Lâm – Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cùng hơn 1.800 học sinh và giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt.

Đại biểu và học sinh xem triển lãm số được trình chiếu trên màn hình Led

Đại biểu và học sinh xem triển lãm số được trình chiếu trên màn hình Led

Chương trình Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được trình chiếu trên màn hình Led cho phép người xem hiểu rõ hơn về tư liệu, hiện vật qua các khu trưng bày: Thư tịch, châu bản, bản đồ cổ của Việt Nam; bản đồ các nước phương Tây; bản đồ Trung Quốc; các tư liệu trước năm 1975; các hiện vật trong không gian ảo (mô hình tàu, cáng cứu thương, cột mốc chủ quyền, mô hình tàu Hải đội Hoàng Sa…).

Học sinh được nghe trình bày chuyên đề về những vấn đề liên quan đến biển, đảo Việt Nam và Bình Thuận

Học sinh được nghe trình bày chuyên đề về những vấn đề liên quan đến biển, đảo Việt Nam và Bình Thuận

Bên cạnh đó, học sinh còn được nghe Trung tá Lê Hoàng Phúc – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trình bày chuyên đề về những vấn đề liên quan đến biển, đảo, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; biển đảo Bình Thuận. Xem các tư liệu, bản đồ giới thiệu bằng chứng lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, như bộ châu bản của vương triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820 - 1841) đến triều Bảo Đại (1926 - 1945) phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm và hiến tặng, Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) nghiên cứu, tuyển chọn, biên dịch, công bố; Bản đồ Việt Nam thời phong kiến (thế kỷ XVI - XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI - XX) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc; cột mốc chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa do người Pháp dựng lên có ghi dòng chữ: “Cộng hòa Pháp, Đế chế An Nam, Quần đảo Hoàng Sa năm 1816”...

Thông tin khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam

Thông tin khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam

Từ xa xưa, biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các hải đảo và quần đảo cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Trong thời đại hòa bình hôm nay, Việt Nam là một quốc gia ven biển, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và thế giới, chính vì thế, biển, đảo càng có tầm quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bờ biển nước ta kéo dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với chiều dài 3.260 km. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vùng biển nước ta có diện tích khoảng 1 triệu km², gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông và có trên 4.000 hòn đảo lớn nhỏ.

Riêng Bình Thuận, có 7 địa phương cấp huyện có biển, trong đó có thị xã La Gi, với chiều dài bờ biển là 192 km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Diện tích vùng lãnh hải là 52.000 km², là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt trên 220 ngàn tấn.

Ông Nguyễn Lê Thành – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu

Ông Nguyễn Lê Thành – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu

Ông Nguyễn Lê Thành – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, khẳng định: Từ bao đời nay, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã trở thành những địa danh thiêng liêng, thân thiết của mỗi người dân Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, dân tộc ta đã khai phá, xác lập và thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách nhất quán và liên tục. Điều này được lưu lại trong tài liệu, tư liệu lịch sử của Việt Nam, được quốc tế thừa nhận trong nhiều tài liệu, bản đồ và văn bản hành chính khác.

Học sinh trả lời các câu hỏi liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam

Học sinh trả lời các câu hỏi liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam

Với những bằng chứng lịch sử chân thực, khách quan, cụ thể, Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” sẽ cung cấp, giới thiệu thêm cho cán bộ, đảng viên, học sinh tỉnh Bình Thuận nói chung, thị xã La Gi nói riêng các tư liệu, bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời giúp các em nắm vững thêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo Việt Nam. Qua triển lãm còn góp phần bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Giáo viên và học sinh xem bản đồ

Giáo viên và học sinh xem bản đồ

Được biết, chương trình Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” sẽ tiếp tục được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ ngày 4/10/2024.

THÙY LINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hoang-sa-truong-sa-cua-viet-nam-nhung-bang-chung-lich-su-va-phap-ly-124558.html