Hoành Sơn quan - cổng trời trăm tuổi mở ra phía Nam hay phía Bắc?

Hoành Sơn quan (cửa Hoành Sơn) trên đỉnh đèo Ngang của núi Hoành Sơn từ dãy Trường Sơn đổ ra biển Đông, giữa ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Dù là di tích sử văn hóa nổi tiếng lâu nay nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi trên.

Thử đi tìm lời giải cho câu hỏi trên, bằng các kiến giải thú vị từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử có tiếng lâu nay như Nguyễn Ngọc Trai, Nguyễn Tú, Nguyễn Khắc Thái và trích lục trong sách cổ, cũng ngộ ra nhiều điều lý thú...

Căn cứ vào ghi chép trong sách cổ

Hoành Sơn quan được xây dựng trên đỉnh đèo Ngang vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Đây là một cửa xây trên đỉnh đèo Ngang, thuộc núi Hoành Sơn đổ dài từ dãy Trường Sơn xuống tận biển Đông, nhằm kiểm soát sự đi lại từ bắc vào nam. Hoành Sơn quan hiện nay vẫn giữ được như nguyên gốc. Có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, dãy Hoàng Sơn đã lưu trữ rất nhiều vết hằn cả trong thời cổ cận và hiện đại ở Việt Nam.

Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang

Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang

Cửa Hoành Sơn nằm bên quốc lộ 1 cũ (khi chưa có hầm đường bộ đèo Ngang), ngay giữa ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Phần đất phía nam cửa thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Phần đất phía bắc cửa thuộc địa phận xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong lịch sử, đây cũng là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập (939) và trước thời kỳ Nam Tiến của người Việt (1069). Thời Pháp thuộc đèo Ngang có tên trên bản đồ là Porte d’Annam.

Đường lên Hoành Sơn quan từ phía Hà Tĩnh

Đường lên Hoành Sơn quan từ phía Hà Tĩnh

Cửa (hay cổng) Hoành Sơn, chính vì vị trí độc lập của nó ngay giữa ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh như ngày nay, nên một thời di tích này cũng trở thành sự tranh chấp về quản lý hành chính và di tích của hai tỉnh. Đến nay vẫn chưa có một cấp nào ở tầm quốc gia đưa ra quyết định là cửa thuộc quyền quản lý của ai.

Mặc dù UBND tỉnh Quảng Bình đã xếp hạng Hoành Sơn quan là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào ngày 2/8/2002. Phía Hà Tĩnh cũng xếp hạng Hoành Sơn quan là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào ngày 14/3/2005. Vậy Hoành Sơn quan là của bên nào và cửa mở ra phía Hà Tĩnh hay phía Quảng Bình?

Từ Hoành Sơn quan nhìn xuống tỉnh Hà Tĩnh

Từ Hoành Sơn quan nhìn xuống tỉnh Hà Tĩnh

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Trai, việc xác định ranh giới giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh từng có nhiều quan điểm. Ví như đi qua phía bắc của cửa rồi qua phía nam cửa, để nói cửa thuộc Hà Tĩnh. Hay địa giới đi dọc chính giữa thành và cửa, có nghĩa là phía cửa Quảng Bình thuộc Quảng Bình và cửa phía Hà Tĩnh thì thuộc Hà Tĩnh…

Theo ông Trai, do đường địa giới nằm ở phía bắc của cửa nên cửa thuộc của Quảng Bình. Ông Trai đưa ra lý giải: một tên làng, xã, ấp, hay cửa cổng mà chính sử chép (vào) ở địa phương nào có nghĩa là thuộc địa phương đó. Sách Đại Nam thực lục có chép: “Năm Minh Mạng thứ 14 quan Binh bộ xin đặt cửa quan ở Hoành Sơn, vua nghe lời tâu mà đặt tên là Hoành Sơn… Sau đó, vì thấy bộ Công nhiều việc, bèn sai thự (quyền) Bố Chính, Quảng Bình là Trần Văn Tuân chuyên coi mọi việc, vời Phú (là thự thị lang bộ Công Đoàn Văn Phú) về. Một tháng làm xong, phái một suất đội và 20 người lính Quảng Bình đến đóng giữ, một tháng một lần thay phiên nhau”.

Biển đề ba chữ “Hoành Sơn Quan” trên cửa Hoành Sơn quay về phía Hà Tĩnh

Biển đề ba chữ “Hoành Sơn Quan” trên cửa Hoành Sơn quay về phía Hà Tĩnh

Qua đó cho thấy việc vua cho xây Hoành Sơn quan, dựng trại lính ở phía nam, giao cho Bố Chính quản lý cửa và thành Hoành Sơn để kiểm soát những người qua lại vào vùng đất Thuận Hóa xưa, vì thế cụm công trình này nên thuộc về tỉnh Quảng Bình, và chính sử mới chép ở tỉnh Quảng Bình là vậy.

Một đoạn đèo Ngang

Một đoạn đèo Ngang

Sách Đồng Khánh dư địa chí cũng có chép: “Một đường dịch lộ phía nam giáp cửa Hoành Sơn quan ở Quảng Bình”. Như vậy là câu này đã cho thấy xác định rõ cửa Hoành Sơn ở Quảng Bình. Trên bản đồ (trong Đồng Khánh dư địa chí) về phủ Quảng Trạch xưa cũng có vẽ cả Hoành Sơn quan.

Trong sách Minh Mạng chính yếu (chính sử) có ghi chép: “Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua mới dụ bảo bầy tôi: “Tỉnh Quảng Bình phía nam gần kinh kỳ, phía bắc qua núi Hoành Sơn nơi ấy rất là xung yếu, thành trì không thể không vững bền được, mới sai quan tỉnh ấy thuê lấy đá ở núi để xây đắp… Khi đi tuần ra xứ Bắc Kỳ lên thành ấy bảo các quan rằng: Thành này then khóa cửa bắc của kinh đô”.

Vào thời kỳ phát triển mạnh của triều Nguyễn, vua Minh Mạng bắt đầu tạo dựng biểu tượng trên lãnh thổ cho mỗi triều vua. Vua cho xây dựng những công trình quân sự và mang tính biểu tượng trên những địa danh mang dấu ấn lịch sử. Bắt đầu từ tỉnh Quảng Bình. Ở tỉnh này, nhà vua cho xây Hoành Sơn quan (huyện Quảng Trạch nay), Quảng Bình quan (ở TP Đồng Hới nay). Ở Thừa Thiên - Huế vua cho xây Hải Vân quan (huyện Phú Lộc nay). Như vậy Hoành Sơn quan như là ranh giới phía bắc của vùng đất Thuận Hóa (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) xưa, và Hải Vân quan là ranh giới phía nam của vùng đất Thuận Hóa. Ai muốn vào ra vùng đất Thuận Hóa đều phải qua hai cửa này.

Căn cứ vào thông lệ và quy ước xưa

Một kiến giải nữa khá thú vị từ ông Nguyễn Ngọc Trai để khẳng định cửa Hoành Sơn nên thuộc phía tỉnh Quảng Bình. Trong cuốn Quảng Bình địa linh nhân kiệt của ông, ông kiến giải: ngày xưa có thông lệ và quy ước bắt buộc khi xây cửa thành lũy mang tính quân sự hay kiểm soát.

Đó là mọi kiến trúc, thiết kế cửa thành ở phía trước có tên của cửa thành. Còn cửa cổng thành đều mở vào phía trong thành hay sân vườn. Cửa Hoành Sơn phía trước là hướng về phía Hà Tĩnh, ghi ba chữ “Hoành Sơn quan”, và mở cửa vào phía trong tỉnh Quảng Bình. Vì di tích này là cổng (cửa ngõ) được xây để canh, chặn người trên tuyến đường từ Bắc (phía Hà Tĩnh) vào Nam (phía Quảng Bình), nên mặt tiền của cổng quay ra phía Hà Tĩnh, còn trại lính lại đóng ở đất Quảng Bình, như sách Đại Nam thực lục đã dẫn.

Thông reo trên đỉnh đèo Ngang

Thông reo trên đỉnh đèo Ngang

Ông Nguyễn Tú (khi chưa mất), trong một lần trò chuyện (với tác giả) về Hoành Sơn quan và Quảng Bình quan, ông cho biết: theo quy ước về cửa thành quân sự xưa thì người ta thường mở cánh cửa về phía trong thay vì mở ra ngoài. Mục đích là để tránh mũi tên hay hòn đạn từ bên ngoài phóng vào. Cánh cửa khi mở ra phía ngoài, như một tấm khiên che đỡ cho người đóng cửa khỏi bị địch sát thương.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái cũng cho rằng Hoành Sơn quan là nơi đón khách thượng kinh từ phía Bắc vào. Nghĩa là để quan sát được khách vào thì người ta phải làm ở mái núi bên ngoài (phía Hà Tĩnh). Do vậy Hoành Sơn quan do chính quyền Quảng Bình thời phong kiến quản lý, là vì then cài cửa nằm phía trong Quảng Bình. Chỉ riêng chứng cứ về mặt kết cấu kiến trúc như vậy cho thấy rằng Hoành Sơn quan nằm trên đất Quảng Bình. Người Hà Tĩnh không thể đi vào cửa để rồi từ phía trong Quảng Bình đóng cửa lại được. Tấm biển đề “Hoành Sơn quan” có từ xưa hiện nay vẫn còn nguyên gốc, hướng ra phía Hà Tĩnh, có ý nghĩa như người ta hướng biển đề ra phía khách, chứ không ai hướng về phía chủ nhà cả.

Quan sát Quảng Bình quan với Hoành Sơn quan, cho thấy đều trùng hợp nhau với lý giải của TS Nguyễn Khắc Thái.

Hiện nay di tích lịch sử văn hóa Hoành Sơn quan đang nằm chơ vơ trên đỉnh đèo Ngang, do chưa rạch ròi trong sự phân định là ai quản lý về mặt địa phận hành chính và di tích. Phía Nhà nước cần đưa ra một quyết định cụ thể là Hoành Sơn quan của Quảng Bình hay của Hà Tĩnh, từ đó có các phương cách nhằm bảo vệ, bảo tồn và khai thác. Phía người dân thì rất cần Hoành Sơn quan sớm được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia để, dù bên nào được, thì họ đều có được… niềm vui.

Lam Giang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//suy-ngam/hoanh-son-quan-cong-troi-tram-tuoi-mo-ra-phia-nam-hay-phia-bac-c8a59523.html