Hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sáng 19-8, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém một số dự án chậm tiến độ ngành công thương chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo về việc xem xét đưa ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo một số dự án và xử lý, quyết toán hợp đồng EPC đối với một số dự án, doanh nghiệp (DN).

Sáng 19-8, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém một số dự án chậm tiến độ ngành công thương chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo về việc xem xét đưa ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo một số dự án và xử lý, quyết toán hợp đồng EPC đối với một số dự án, doanh nghiệp (DN).

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, DN, ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án, DN yếu kém, chậm tiến độ này để có sự chuyển biến rõ rệt, thực chất hơn, phương án xử lý phải khả thi theo nguyên tắc các DN, chủ đầu tư chủ động, chịu trách nhiệm xử lý theo thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, quan tâm toàn diện, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an ninh và an toàn xã hội...

Qua thảo luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ngay trong tháng 8-2020 về việc đưa 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo, xử lý của Ban Chỉ đạo.

Đối với việc xử lý, quyết toán các hợp đồng EPC của 5 dự án, DN, Phó Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư, tập đoàn, tổng công ty phải xử lý dứt điểm các tranh chấp hợp đồng này theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đó chủ đầu tư, tập đoàn, tổng công ty phải đánh giá, xem xét kỹ các phương án xử lý khả thi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8-2020 bởi đây là cơ sở để Ban Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ như: Cơ cấu lại, bán vốn, thoái vốn... tại các dự án, DN. Đồng thời, làm rõ và xử lý những sai phạm, vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan...

* Ngày 19-8, tại Hà Nội, Đại tướng TÔ LÂM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đến thăm hỏi và trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” tặng NSND Trọng Bằng và nhạc sĩ Phạm Tuyên nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam (19-8-1945 - 19-8-2020). Đây là hai nhạc sĩ gạo cội, sáng tác nhiều ca khúc về lực lượng CAND, trong đó có những tác phẩm đã trở thành giai điệu tự hào của lực lượng.

Thăm hỏi sức khỏe NSND Trọng Bằng, Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhạc sĩ vì những cống hiến, đóng góp to lớn vào sự phát triển âm nhạc về đề tài CAND. Qua đó khắc họa rõ nét hình ảnh những người chiến sĩ công an trong cuộc chiến thầm lặng để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thăm hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên, Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời cảm ơn, chúc mừng nhạc sĩ vừa được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Bộ trưởng khẳng định, các tác phẩm âm nhạc về đề tài CAND của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gắn bó, đồng hành cùng lực lượng trong suốt thời gian qua, được công chúng cả nước đón nhận và yêu mến.

* Chiều 19-8, đồng chí NGUYỄN HÒA BÌNH, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đến thăm, làm việc với TAND hai cấp tỉnh Bạc Liêu. Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình chia sẻ những khó khăn, áp lực công việc của cán bộ ngành tòa án; đồng thời ghi nhận những ý kiến kiến nghị, đề xuất của địa phương về tăng biên chế, về đầu tư xây dựng trụ sở TAND tỉnh. Thời gian tới, TAND tối cao sẽ có những giải pháp cụ thể để từng bước tháo gỡ khó khăn cho TAND các cấp tại các địa phương, trong đó có tỉnh Bạc Liêu.

Đồng chí đề nghị, TAND hai cấp tỉnh Bạc Liêu tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án từ nay đến cuối năm để bảo đảm quyền lợi cho người dân, phấn đấu đạt chỉ tiêu giải quyết án theo yêu cầu của Quốc hội. Đơn vị nào chưa bảo đảm thì lãnh đạo tòa án đó phải tập trung chỉ đạo, làm thêm giờ, thêm việc. Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng xét xử, đặc biệt chú trọng việc tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, nâng cao hơn nữa năng lực, nghiệp vụ của từng cán bộ, thẩm phán. Thời gian tới, TAND tối cao sẽ tiếp tục duy trì các chương trình tập huấn nghiệp vụ hằng tháng bằng hình thức trực tuyến, qua đó bổ sung, nâng cao kiến thức cho cán bộ tòa án, các thẩm phán đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước tình hình mới.

* Chiều 19-8, Phó Chủ tịch nước ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái. Đến thăm Công an tỉnh Yên Bái dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND, Phó Chủ tịch nước chuyển lời hỏi thăm, chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Yên Bái. Đồng chí đánh giá cao các kết quả đã đạt được thời gian qua, nhất là Yên Bái là tỉnh đi đầu trong việc hoàn thành đưa công an chính quy về cơ sở, đồng thời nhấn mạnh: Cán bộ công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt bốn nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống. Bảo vệ tuyệt đối an toàn đại hội đảng bộ các cấp và cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Tiếp tục nắm dân, quản lý tốt địa bàn theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Dịp này, Phó Chủ tịch nước đến dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử quốc gia Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái; thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lô, sinh năm 1932, là mẹ của hai liệt sĩ, trú tại xã Văn Phú; ông Lê Quang Nghiệp, sinh năm 1927, cán bộ tiền khởi nghĩa trú tại phường Đồng Tâm, TP Yên Bái.

* Ngày 19-8, Phó Thủ tướng TRỊNH ĐÌNH DŨNG làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các dự án.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, trong điều kiện khó khăn hiện nay, ngành nông nghiệp đang làm rất tốt và trách nhiệm cả việc sản xuất, đầu tư và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, ngành cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh đã khiến việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU... bị giảm sút. Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung cấu trúc lại ngành nông nghiệp và các sản phẩm để bổ sung và lập mới các quy hoạch; tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm đi đôi với phát triển sản xuất gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và ứng phó thiên tai. Riêng với giải ngân đầu tư công, cần tháo gỡ các nút thắt và đạt được mục tiêu đề ra, phấn đấu năm 2020 đạt 94,7%. Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đầu tư công cũng phải đạt 1,3 đến 1,5 lần giai đoạn trước. Bộ NN và PTNT cần phối hợp các bộ liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn theo các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách,...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc-613539/