Hoạt động giáo dục tự nguyện: Tránh quá tải, bảo đảm quyền lợi học sinh
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động giáo dục tự chọn ngoài chương trình chính khóa. Để bảo đảm quyền lợi của học sinh, ngành Giáo dục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các giờ học tự nguyện.
Đăng ký học theo nguyện vọng
Theo quy định, các hoạt động giáo dục liên kết được các trường tổ chức theo hình thức thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Chi phí các môn học liên kết nằm trong các khoản dịch vụ phục vụ không quy định mức thu tại Nghị quyết số 40/2023/NQ-HĐND (Nghị quyết 40) của HĐND tỉnh. Các nhà trường được quyền phối hợp với các tổ chức, đơn vị ngoài nhà trường để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đơn vị liên kết phải được Sở GD&ĐT cấp phép, thẩm định nội dung giảng dạy.
Năm học này, Trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) ký kết với Trung tâm Anh ngữ Green Edu Bắc Giang (TP Bắc Giang) đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy tiếng Anh cho học sinh. Nhà trường có 28 lớp với gần 1 nghìn học sinh, trong đó có hơn 800 em đăng ký học tiếng Anh với người nước ngoài, mức thu 30 nghìn đồng/buổi. Học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được miễn học phí. 4 giáo viên là người Mỹ và người Anh có trình độ đại học, đáp ứng các quy định giảng dạy tại Việt Nam được ký hợp đồng lao động với nhà trường.
Tham gia giảng dạy, giáo viên nước ngoài phải tuân thủ nội quy, chương trình, kế hoạch đề ra. Tuần đầu tiên của tháng, nhà trường yêu cầu giáo viên nước ngoài gửi giáo án để thẩm định nội dung, chất lượng bài giảng. Chị Nguyễn Kim Anh có con đang học tại trường cho biết: “Học tiếng Anh với người nước ngoài, kỹ năng nghe, nói của con tôi cải thiện rõ rệt. Con tự tin tham gia các cuộc giao lưu tiếng Anh ở nhiều sân chơi do ngành giáo dục tổ chức”.
Toàn tỉnh hiện có 94/762 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT với gần 40 nghìn học sinh ở các huyện: Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên, Yên Dũng, thị xã Việt Yên và TP Bắc Giang đang học tiếng Anh với người nước ngoài.
Cùng với hoạt động dạy ngoại ngữ ngoài chương trình chính khóa, nhiều trường chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tổ chức hoạt động trải nghiệm theo nhu cầu của học sinh. Ở xa trung tâm và có hơn 80% học sinh dân tộc thiểu số, Trường Tiểu học Giáo Liêm (Sơn Động) tổ chức dạy kỹ năng an toàn giao thông, giáo dục giới tính, phòng, chống đuối nước, cháy nổ, bạo lực học đường. Các nội dung này được bố trí vào các tiết sinh hoạt lớp hoặc cuối buổi học. Thầy giáo Nông Xuân Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau những giờ học trải nghiệm, các em tự tin hơn trong giao tiếp, mạnh dạn nêu ý kiến của mình về các chủ đề trong bài giảng, liên hệ thực tế cuộc sống”.
Tăng cường quản lý
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động giáo dục ngoài chương trình chính khóa được triển khai rộng khắp ở các bậc học trong tỉnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình liên kết học tiếng Anh với người nước ngoài đã nâng cao kỹ năng nghe, nói cho học sinh từ bậc mầm non như: Mầm non Âu Cơ (Việt Yên), mầm non Sao Mai (Lục Ngạn), mầm non Cảnh Thụy, mầm non Đồng Phúc, mầm non Trí Yên (Yên Dũng). Dù chỉ mới làm quen nhưng các bạn nhỏ đã biết trao đổi bằng tiếng Anh với cô giáo và bạn bè. Nhiều học sinh bậc THCS, THPT đã có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Sở GD&ĐT nghiêm cấm gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức phải bảo đảm quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi, tránh gây quá tải cho các em.
Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang cho biết: “Là địa bàn có nhiều trường tổ chức các hoạt động giáo dục liên kết, Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang yêu cầu các trường thực hiện đầy đủ chương trình chính khóa, bố trí thời khóa biểu đủ định mức cho giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động liên kết. Đối với các trường liên kết học tiếng Anh với người nước ngoài ở các trung tâm ngoài nhà trường, Phòng đề nghị các trường kiểm soát giáo án, giáo trình, thẩm định giờ giảng để nâng cao chất lượng tiết học, bố trí giáo viên tiếng Anh của nhà trường tham gia trợ giảng cho giáo viên nước ngoài”.
Cùng với việc bảo đảm chất lượng môn Tiếng Anh, Phòng GD&ĐT TP chỉ đạo các trường quản lý chặt chẽ các hoạt động giáo dục trải nghiệm, kỹ năng sống (ứng phó với các tình huống cháy nổ, tham gia giao thông an toàn, hiểu biết về sức khỏe giới tính…), bảo đảm nội dung gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hành, phù hợp với lứa tuổi. Mục tiêu đặt ra là học sinh hình thành ý thức tự học, tự bồi dưỡng bản thân và các kỹ năng tự phục vụ cũng như ý thức vươn lên trong học tập, cuộc sống. Qua hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, các nhà trường kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, phát hiện và xử lý sớm những mâu thuẫn, xung đột trong học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Để bảo đảm hiệu quả hoạt động giáo dục ngoài chương trình chính khóa, Sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, TP, các nhà trường thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh về lĩnh vực này. Do đây là các hoạt động giáo dục tự nguyện, Sở nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Công tác tổ chức phải bảo đảm quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi, tránh gây quá tải cho các em.
Sở chỉ đạo thẩm định nội dung chương trình và yêu cầu các nhà trường không sắp xếp lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh thẩm định chặt chẽ các điều kiện cấp phép hoạt động đối với giáo viên nước ngoài giảng dạy hợp đồng tại các trung tâm ngoại ngữ. Thường xuyên cập nhật, công khai thông tin, năng lực của các trung tâm ngoại ngữ trên trang thông tin điện tử để nhà trường, phụ huynh lựa chọn, giám sát.
Bài, ảnh: Minh Thu