Hoạt động HTX nông nghiệp: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
6 tháng đầu năm 2022, hoạt động của các Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ở Lâm Đồng bên cạnh những hiệu quả sản xuất, kinh doanh đáng kể là những khó khăn, thách thức. Qua đó cần phân tích những nguyên nhân để tìm hướng tháo gỡ, giải quyết trong 6 tháng cuối năm.
• DOANH THU CAO
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 4 Liên hiệp HTX Nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 25 HTX thành viên và 374 HTX trong ngành Nông nghiệp với 8.452 thành viên (tăng 7 HTX so với năm 2021). Trong đó, 207 HTX trồng trọt; 12 HTX chăn nuôi; 6 HTX nuôi thủy sản; 1 HTX lâm nghiệp; 1 HTX nước sạch nông thôn và 147 HTX tổng hợp. Ngoài ra, có 373 Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp với 8.608 tổ viên (279 THT trồng trọt, 49 THT chăn nuôi, 45 THT tổng hợp).
Đến nay, tổng vốn điều lệ của HTX nông nghiệp trong tỉnh đạt gần 480 tỷ đồng, tăng 9,2 tỷ đồng so với năm 2021. Kết quả bình quân doanh thu khoảng hơn 2,2 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận gần 360 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng/lao động/năm.
Qua đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, xếp loại HTX nông nghiệp tính đến đầu năm 2022 gồm: 29 HTX loại tốt; 67 HTX khá; 143 HTX trung bình. Điển hình HTX Nông nghiệp Anh Đào (Đà Lạt) tổ chức liên kết với 300 hộ nông dân sản xuất rau, củ, quả theo kế hoạch, đảm bảo quy trình kỹ thuật đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ lâu dài. HTX nông nghiệp Tiến Huy (Đức Trọng) liên kết với các THT và Hội Nông dân cùng hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện và các vùng lân cận. HTX Laba Banana Đạ K’Nàng (Đam Rông) liên kết với 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất chuối Laba tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ở các huyện phía Nam Lâm Đồng với các mô hình HTX nông nghiệp liên kết với hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất các loại cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ như: HTX Quyết Tiến ở huyện Đạ Tẻh; HTX Trung Thành, HTX Tân Hưng Phát ở huyện Cát Tiên…
Trong năm 2021, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông nội đồng cho 3 HTX nông nghiệp tại huyện Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc, tổng kinh phí hơn 13,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước gần 10,7 tỷ đồng; HTX nông nghiệp đối ứng hơn 2,6 tỷ đồng. Chưa kể còn hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; phần mềm kế toán; máy bay phun thuốc trừ sâu cho 1 mô hình HTX tiên tiến tại huyện Cát Tiên với kinh phí nhà nước 250 triệu đồng. “Nhiều HTX nông nghiệp đã áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất, nhất là đối với HTX quy mô lớn, doanh thu hàng năm khá cao. Đặc biệt, đã tổ chức tốt việc bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả cho thành viên, khẳng định vai trò tích cực của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
• GỠ KHÓ ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng nhận định nhiều THT nông nghiệp thành lập từ nhu cầu thực tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nông dân hợp tác, giúp đỡ nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vượt qua khó khăn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn. Nhiều mô hình THT nông nghiệp đã tổ chức chuỗi liên kết với các HTX, doanh nghiệp, ổn định đầu ra nông sản cho tổ viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, hoạt động HTX, THT nông nghiệp còn đối diện với nhiều khó khăn về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn vay không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất xây dựng còn gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến một số HTX nông nghiệp không có mặt bằng để xây dựng trụ sở và các công trình sân phơi, kho chứa, kho sấy nông sản. Mặt khác, số lượng HTX nông nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thấp, quy mô hoạt động nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Trong khi đó năng lực, trình độ quản lý và nghiệp vụ sản xuất kinh doanh của HTX còn hạn chế.
Nguyên nhân tồn tại, hạn chế nói trên trước hết thuộc về Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể, HTX cấp huyện chưa phát huy hiệu quả hoạt động, nhất là việc theo dõi, tổng hợp, báo cáo chưa thường xuyên. Thành viên Ban Chỉ đạo là cán bộ cấp xã chưa theo dõi chặt chẽ về số lượng, chất lượng các mô hình kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp tại địa phương. Về phía HTX, THT chưa chú trọng quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; bán hàng qua các kênh thương mại điện tử. Riêng các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa của các hộ thành viên.
Giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tăng cường tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các hội, đoàn thể trong việc vận động thành lập HTX kiểu mới, tập trung xây dựng mô hình HTX liên kết chuỗi giá trị sản xuất bền vững, tiêu thụ nông sản ổn định gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.