Học Bác trị bệnh... kiêu ngạo!

Trong tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc', Hồ Chủ tịch đã nêu lên khá đầy đủ các 'bệnh' thường gặp của cán bộ , đảng viên cùng 'triệu chứng' và 'phương thuốc' phòng trị. Đây là những bài học đến nay vẫn còn nguyên giá trị để cho mỗi cán bộ, đảng viên nhìn vào, tự soi, tự sửa...

Riêng với “bệnh” kiêu ngạo, Bác chỉ rõ: Bệnh kiêu ngạo của người cán bộ, đảng viên thể hiện ở chỗ: “Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”. Thậm chí, tháng 11/1948, Bác đã viết hẳn một bài báo tựa đề “Bệnh tự ái, tự kiêu” đăng trên báo Sự thật số 102 và chỉ rõ: “Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai”.

Cũng theo Bác, người kiêu ngạo, tự cao tự đại sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu khác như lên mặt công thần, lười biếng học tập, mù quáng, ưa những kẻ nịnh hót, ghét những người tài đức và ăn ngay nói thẳng, xem thường Nhân dân, bất tuân tổ chức kỷ luật, không muốn ai phê bình mình, ngày càng thoái bộ, cuối cùng “nhất định sẽ đi đến thất bại”.

Bác viết: “Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường Nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng, của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình”.

Do đó, để phòng, trị “bệnh” kiêu ngạo, Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đức khiêm tốn, thật thà tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình của người khác; kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm; tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ; giữ gìn đoàn kết; dựa vào quần chúng, chịu sự kiểm tra của quần chúng; hoàn thành nhiệm vụ của mình; thường xuyên học tập để tiến bộ về mọi mặt.

Theo Bác: “Cần phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên... Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi”. Lời dạy của Bác từ khi chính quyền còn non trẻ đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị; là bài học cho mỗi chi, đảng bộ, cấp ủy và chính mỗi cán bộ, đảng viên nghiền ngẫm, học tập, làm theo thật tốt để sửa mình!

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hoc-bac-tri-benh-kieu-ngao-220157.htm