Học nghề có ích hơn nhiều người tưởng

Tại Mỹ, nhiều người vẫn e ngại việc học nghề. Tuy nhiên, việc học nghề giờ đây có thể đáp ứng nhu cầu xã hội và tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức hơn học đại học, theo Forbes.

 Nhiều người Mỹ phân vân về lựa chọn học đại học khi lạm phát ngày một tăng. Ảnh: Pexels.

Nhiều người Mỹ phân vân về lựa chọn học đại học khi lạm phát ngày một tăng. Ảnh: Pexels.

Tại Mỹ, lạm phát khiến nhiều người đắn đo khi tiêu tiền và mục đích tiêu tiền. Theo nghiên cứu của quỹ Gate, một trong số điều khiến ngày càng nhiều người Mỹ cân nhắc là: Liệu có nên bỏ tiền đi học đại học. Học phí đại học ở Mỹ rất đắt.

Đó là một trong những lý do khiến học nghề nổi lên như một giải pháp thay thế ngày càng phổ biến để người trẻ xây dựng bệ phóng cho sự nghiệp.

Học nghề cũng có thể đưa ra giải pháp thay thế cho các nhà tuyển dụng ngày nay, giúp họ đào tạo, nâng cao và phát triển kỹ năng cần thiết cho nhân viên trẻ.

"Mô hình giáo dục hiện tại được xây dựng dựa trên tấm bằng đại học truyền thống đã không phù hợp với đa số người. Thật không đúng khi cho rằng giáo dục đại học có thể giúp sinh viên áp dụng kiến thức đã học vào công việc đơn giản hàng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, sinh viên ra trường sẽ phải học lại một kỹ năng sau khi chính thức gia nhập lực lượng lao động", Sophie Ruddock, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty Multiverse Bắc Mỹ cho biết.

Tổ chức của Ruddock cung cấp các chương trình học nghề giúp thanh niên không có bằng đại học tìm được việc làm. Tại đây, họ được đào tạo miễn phí và trả lương khi làm việc trong các lĩnh vực như Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering) hoặc Digital Marketing.

Forbes đã cùng thảo luận với Ruddock về sức hấp dẫn ngày càng tăng của các chương trình học nghề trong thời điểm chi phí của việc học đại học tại Mỹ đang ngày một đắt cũng như lý do tuyển học viên học nghề cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho người sử dụng lao động.

Ngoài tấm bằng đại học

Theo đuổi tấm bằng đại học là một con đường lâu dài để đạt được "giấc mơ Mỹ". Nhưng chi phí, học phí ngày càng tăng đã khiến nhiều người tạm dừng việc học và xem xét các cơ hội tiềm năng ngày một nhiều để tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm cho sự nghiệp của mình.

"Đại học đã ăn sâu vào văn hóa Mỹ. Sinh viên lẫn nhà tuyển dụng coi nó là con đường duy nhất dẫn đến sự nghiệp", Ruddock chỉ ra một cuộc khảo sát của Gallup cho thấy 54% phụ huynh cho biết họ muốn con mình đăng ký vào đại học sau khi tốt nghiệp trung học.

Theo bà, chương trình đại học không phát triển đủ nhanh để theo kịp nhu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt là các ngành công nghệ. Do đó, nước Mỹ lúc nào cũng thiếu các nhân tài công nghệ.

 Chuyên gia cho rằng chương trình đại học không theo kịp nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Ảnh: Pexels.

Chuyên gia cho rằng chương trình đại học không theo kịp nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Ảnh: Pexels.

Ruddock tin rằng xã hội cần phải có một sự thay đổi cơ bản, chấp nhận nhiều hơn các hình thức bằng cấp, miễn là nó phù hợp với nhân sự và yêu cầu công việc.

Nhưng để làm cho sự thay đổi này diễn ra nhanh hơn, xã hội phải bỏ đi thành kiến chỉ những người có bằng đại học mới đáng được phỏng vấn cho các vị trí tuyển dụng.

"Doanh nghiệp đang trải qua quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng và cần một lực lượng lao động có kỹ năng và cách xử lý phù hợp với thời cuộc. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra lựa chọn thay thế bằng đại học và cho phép những người trẻ tuổi phát triển năng lực của họ", Ruddock cho hay.

Ưu điểm của học nghề

Theo Ruddock, những người học nghề sẽ trải qua một số thuận lợi. Đối với nhiều người, lợi ích lớn nhất là có thể kiếm tiền ngay.

Tại Mỹ, nhiều người học việc kiếm được mức lương 50.000-70.000 USD. 68% người học việc được thăng chức hoặc được tăng lương trong thời gian học việc.

Giờ đây, học nghề không còn gắn với các ngành truyền thống như điện nước mà còn bao gồm cả các ngành kỹ thuật, công nghệ và phân tích. Theo Ruddock, học viên trường nghề được đào tạo sát với thực tế hơn sinh viên đại học.

Vượt qua rào cản

Một trong những rào cản phổ biến nhất đối với việc chấp nhận việc học nghề trở nên phổ biến tại Mỹ là nhiều người trẻ cho rằng việc học nghề quá dễ và quá tốt so với tưởng tượng, thậm chí họ cho rằng học nghề là một hình thức lừa đảo.

Một rào cản khác là xã hội Mỹ vẫn đang trong giai đoạn tiếp nhận việc học nghề. Theo đó, nhà tuyển dụng nên mở rộng cơ hội đối với người học nghề.

"Học nghề có thể giúp người sử dụng lao động thu hẹp khoảng cách về kỹ năng, giảm chi phí tuyển dụng và tăng khả năng giữ chân nhân viên. Trên thực tế, 94% nhân viên sẽ ở lại lâu hơn nếu công ty của họ cung cấp nhiều cơ hội hơn để học hỏi các kỹ năng", Ruddock nói.

Đối với học viên, học nghề giúp họ học và áp dụng nhiều kỹ năng mới vào các dự án thực tế, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.

"Học viên học nghề có thể có những kỹ năng cần thiết giúp doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ trên diện rộng. Họ cũng góp phần tạo ra nhiều nguồn tài năng hơn để xây dựng lực lượng lao động đại diện cho xã hội ngày nay", bà bổ sung.

Mặc dù tấm bằng đại học vẫn có thể giúp ích cho những nghề nghiệp thực sự cần nó, nhưng bằng đại học giờ đây không còn là lựa chọn duy nhất để tạo dựng sự nghiệp. Ngoài ra, trong thời điểm này, khi cơ hội việc làm nhiều hơn số người lao động có kỹ năng có thể đáp ứng, các chương trình học đại học nên được xem xét thay đổi để tránh việc sinh viên ra trường không có kỹ năng phù hợp với nhu cầu xã hội, Ruddock cho hay.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoc-nghe-co-ich-hon-nhieu-nguoi-tuong-post1375365.html