Học nghề không lo thất nghiệp

Học nghề điện tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Ảnh: THÚY HẰNG

Vài năm trở lại đây các bạn trẻ có xu hướng chọn học cao đẳng, trung cấp khá phổ biến. Điều này cũng rất dễ hiểu vì sau khi tốt nghiệp người học có thể dễ dàng tìm được công việc phù hợp.

Con đường ngắn, nhiều cơ hội việc làm

Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung vừa tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp cho 682 học sinh, sinh viên (HSSV). Báo cáo tại buổi lễ cho biết, có hơn 95% HSSV vừa tốt nghiệp đã có việc làm ngay. Đặc biệt một số nghề như Hàn, Cắt gọt kim loại, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Điện công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Quản trị khách sạn… 100% HSSV được các doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay khi tốt nghiệp với mức lương khởi điểm từ 4,5-8 triệu đồng/tháng.

Năm 2012, Nguyễn Hữu Phương ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) tốt nghiệp THPT. Như nhiều bạn bè, Phương chọn học đại học tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Theo học 1 năm, Phương nghỉ ngang, sau đó đi làm phụ hồ. Gắn bó với công việc này được một thời gian, Phương nhận ra nếu không có một nghề ổn định thì khó mà lập nghiệp được. Năm 2017, sau khi tìm hiểu kỹ về ngành nghề, Phương chọn học nghề Điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Với sự chịu khó, siêng năng, Phương nhanh chóng thích nghi với ngành học này. “Trong quá trình học, em theo các thầy đi làm thêm tại một số công trình và trước khi tốt nghiệp em thực tập 4 tháng tại một công ty ở Bình Dương nên tay nghề rất vững vàng”, Phương tự tin nói. Với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, Phương được Công ty TNHH CCIPY (Khu công nghiệp An Phú) nhận vào làm việc.

Tương tự, Nguyễn Hữu Phúc là con cả trong gia đình có 3 anh em trai ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa). Năm 2014, Phúc tốt nghiệp THPT. Năm 2015, Phúc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2017, Phúc theo học nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Trong ngày nhận bằng tốt nghiệp, Phúc vui mừng thông báo đã được Công ty TNHH CCIPY nhận vào làm việc. Phúc cho biết thêm: “Hiện hai đứa em trai của em cũng chọn học cao đẳng, trung cấp. Từ kinh nghiệm của em cho thấy, học nghề là con đường ngắn nhưng nhiều cơ hội việc làm”.

Đồng quan điểm này, sinh viên Phan Quốc Tĩnh ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Em đã nhìn thấy rất nhiều anh, chị tốt nghiệp đại học nhưng vô cùng chật vật khi tìm kiếm việc làm. Nhiều người trong số họ phải đi làm trái nghề, bán hàng online, thậm chí cất bằng đại học xin làm công nhân. Vì vậy, năm 2017, sau khi tốt nghiệp THPT em quyết định học cao đẳng Kỹ thuật cơ khí để rút ngắn thời gian tự lập. Trong quá trình học em được nhà trường cho đi thực tập tại Công ty CP Vina Nha Trang. Tại đây em được học, thực hành với những loại máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao tay nghề. Hiện em được Công ty CP Vina Nha Trang nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng/tháng và còn được hỗ trợ ăn, ở”.

Chuyển hướng chọn học nghề

Thực tế hiện nay cho thấy cử nhân tốt nghiệp đại học thường không dễ dàng xin được việc làm hoặc làm việc với một mức lương không xứng với công sức đã bỏ ra. Trong khi đó, nhiều HSSV theo học cao đẳng, trung cấp khi ra trường có thể dễ dàng tìm được việc làm đúng với chuyên ngành học cùng với mức lương hấp dẫn. Chính vì thế, thời gian gần đây tâm lý của học sinh và phụ huynh về lựa chọn nghề nghiệp cũng đã có sự thay đổi rõ nét. Thay vì đổ xô vào đại học, nhiều học sinh, phụ huynh đã tỉnh táo hơn trong việc chọn trường, chọn ngành.

Thay đổi đầu tiên có thể thấy chính là tỉ lệ học sinh đăng ký học trung cấp, cao đẳng tăng lên rõ rệt. Nhiều nhất chính là hệ trung cấp. Vấn đề được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm nhất hiện nay là những nhóm ngành, nghề nào sẽ có vị trí ổn định trong tương lai. Giải đáp thắc mắc này, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết nghề hàn, cắt gọt kim loại, nghề điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ ô tô, nhà hàng - khách sạn… đang là những ngành nghề thiếu nguồn nhân lực cả trong nước lẫn xuất khẩu lao động. Những ngành nghề này đều được đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp địa phương nên rất thuận lợi cho người học.

Với hơn 500 nghề thuộc hệ cao đẳng và hơn 800 nghề trung cấp, học sinh có thể chọn lựa ngành nghề phù hợp khả năng và sở thích. Điều quan trọng là các em có trau dồi kỹ năng, đáp ứng được vị trí mà đơn vị tuyển dụng đang yêu cầu hay không.

Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thực tế những năm qua, sau các kỳ thi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ngay tại trường rất đông. Có những ngành nghề, HSSV còn chưa học xong, doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề tuyển dụng. Tại những buổi lễ tốt nghiệp, thường có từ 80-90% HSSV được tuyển dụng ngay. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề ngày càng nhiều. Điều này là cơ hội để thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/242084/hoc-nghe-khong-lo-that-nghiep.html