Học sinh đánh nhau gây thương tích cũng có thể phải ngồi tù

Thực trạng học sinh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tiếp xảy ra đánh nhau, tung clip lên mạng khiến dư luận quan tâm, bất bình. Những học sinh như vậy có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình?

Hiện tượng bạo lực giữa học sinh với nhau đã xuất hiện từ nhiều năm với những mức độ khác nhau, nhưng chưa bao giờ lại xảy ra liên tiếp như hiện nay, gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói, hầu hết những vụ việc học sinh đánh nhau đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có một thực trạng đáng buồn là hiện nay, những vụ bạo lực học đường không chỉ do nam sinh gây ra, mà có cả nữ sinh. Các em đánh nhau, quay clip để đưa lên mạng như một sự “dằn mặt” hoặc khoe chiến tích, đôi khi hành vi của các em còn nhận được sự cổ vũ của các bạn cùng trường đủ để cho thấy những suy nghĩ lệch lạc của tuổi mới lớn. Đáng buồn hơn nữa là các em không nhận thức được hành vi của mình sẽ gây ảnh hưởng thế nào cho bạn học – là nạn nhân của các em, cũng không hiểu rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của chính các em sau này.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho biết: "Nếu hành vi đánh người của các em ở mức độ nhẹ thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của nhà trường. Nếu hành vi đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, đối với những hành vi đánh nhau, lôi kéo đánh nhau, tụ tập, gây rối trật tự công cộng có thể bị xử phạt theo Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc nếu đủ dấu hiệu tội phạm thì có thể bị xử lý theo điều Điều 134, Bộ Luật Hình sự 2015 - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác".

"Học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như hành vi của các em đã có dấu hiệu tội phạm. Học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự với những hành vi có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Còn học sinh dưới 14 tuổi, nếu hành vi có tính chất đặc biệt nghiêm trọng thì đã có các trung tâm trường giáo dưỡng để phục vụ công tác giáo dục các em một mức độ cao hơn mức độ nhà trường, từ đó các em có nhận thức đúng đắn để không tái diễn hành vi vi phạm." - Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm.

Nhiệt tình, sôi nổi là điểm mạnh của lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. Tuy nhiên, khi không được giáo dục, kèm cặp để nhận thức về hành vi một cách đầy đủ, sự nhiệt huyết ấy có thể tác động ngược lại, làm ảnh hưởng đến chính tương lai của các em sau này. Để làm được điều đó, cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và cả xã hội và nên chăng, chúng ta cần có những buổi tuyên truyền để học sinh hiểu rằng, hành vi của mình là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật./.

PV/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/hoc-sinh-danh-nhau-gay-thuong-tich-cung-co-the-phai-ngoi-tu-post1011980.vov