Học sinh Gen Z chủ động chọn ngành, chọn nghề

Không còn chọn ngành nghề theo phong trào hoặc 'nhắm mắt điền nguyện vọng', rất nhiều học sinh thế hệ Gen Z đã chủ động tìm hiểu ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và nhu cầu của xã hội.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Cửu trong giờ ôn tập môn Lịch sử. Ảnh: H.Yến

Học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Cửu trong giờ ôn tập môn Lịch sử. Ảnh: H.Yến

Trước ngưỡng cửa chọn nghề cho tương lai, học sinh không chỉ nghe tư vấn từ thầy cô, cha mẹ và các chuyên gia mà còn tự tìm hiểu thông tin và chủ động tham khảo từ sinh viên đang học tại các trường cao đẳng, đại học để có được cái nhìn toàn cảnh trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.

* Nghe - kiểm chứng - lựa chọn

Ngay từ khi còn học lớp 10, em Nguyễn Ngọc An Na (học sinh lớp 12A12, Trường THPT Vĩnh Cửu) đã bắt đầu tìm hiểu thông tin về chọn ngành, chọn nghề. Trong thời gian gần 3 năm qua, nữ sinh này đã tham dự nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh với sự góp mặt của nhiều chuyên gia tư vấn. Em cũng tham gia đầy đủ các buổi hướng nghiệp của nhà trường.

Ngoài ra, em An Na còn tự tìm hiểu về ngành học trên website của các trường đại học, cao đẳng; đồng thời, tham gia nhiều group sinh viên của các trường để đặt câu hỏi và nghe sinh viên “review” về ngành học, công tác đào tạo, cơ sở vật chất, học phí…

An Na cho biết: “Sở dĩ em đặt câu hỏi cho các anh chị sinh viên vì chỉ có họ mới trả lời những điều mà chỉ sinh viên đã hoặc đang trực tiếp học tập tại trường mới trả lời được. Những điều này sẽ không có trên báo chí hoặc các thầy cô khi đi tư vấn hướng nghiệp cũng sẽ không đề cập”.

Bằng cách tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, An Na tự chắt lọc, kiểm chứng và cân nhắc xem bản thân phù hợp với ngành nghề nào, nên học trường nào để đưa ra quyết định. Đến nay, em đã chắc chắn với lựa chọn ngành học tương lai và đang nỗ lực hết mình để chinh phục mục tiêu.

Hiện nay, nhiều trường đã công bố thông tin tuyển sinh. Đây là thông tin tham khảo quan trọng cho học sinh lớp 12. Các em cần tìm hiểu kỹ thông tin về tiêu chí, điều kiện, quy trình, hình thức xét tuyển… để tận dụng được tất cả các cơ hội xét tuyển sớm.

Tuy bắt đầu chuẩn bị cho việc chọn ngành, chọn nghề muộn hơn An Na nhưng em Hồ Thị Kim Thy (lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Cửu) cũng đã tìm hiểu thông tin khá kỹ lưỡng. Bản thân Kim Thy xác định 3 tiêu chí để chọn ngành, chọn nghề là: năng lực bản thân, niềm đam mê và điều kiện gia đình.

Sau khi xác định được ngành học phù hợp để theo đuổi, Kim Thy mới tìm hiểu đến trường đào tạo; tìm hiểu về các phương thức tuyển sinh. Đối với ngành học đã chọn có nhiều tổ hợp xét tuyển, em xác định tổ hợp thế mạnh của mình để tập trung học, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm bài nhằm đạt được điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để có cơ hội tiến vào giảng đường mơ ước.

* Sẵn sàng chọn nghề cho tương lai

Trong hoạt động hướng nghiệp, nhiều trường học đã cho học sinh làm các bài trắc nghiệm để giúp học sinh nhận ra thế mạnh, điểm yếu của bản thân. Từ đó xác định bản thân phù hợp với khối ngành nào để có định hướng tốt hơn, tránh hoang mang, cảm tính.

Giai đoạn hiện nay, các trường đại học, cao đẳng tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp. Cùng với đó, nhiều đơn vị phối hợp tổ chức các chương trình tư vấn chọn ngành, chọn nghề với sự tham gia của các chuyên gia về đào tạo, tâm lý, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực… Đây là cơ hội để học sinh có thể đặt câu hỏi trực tiếp với chuyên gia để có thêm thông tin tham khảo, phục vụ cho việc chọn nghề cho tương lai.

Bước sang học kỳ II là giai đoạn quan trọng trong hành trình chọn ngành, chọn nghề của học sinh lớp 12. Đây là thời điểm những học sinh cuối cấp cần đưa ra sự lựa chọn để bắt đầu tăng tốc cho quá trình học, ôn tập, nâng cao nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, để lựa chọn những ngành nghề phù hợp với khả năng, học sinh nên xem xét sở thích, đam mê, kỹ năng và mục tiêu nghề nghiệp của mình; nghiên cứu về các ngành có triển vọng và khám phá thông tin về các công việc cụ thể trong từng lĩnh vực để đưa ra quyết định chín chắn.

“Làm việc gì cũng cần có sự chuẩn bị, nếu không có sự chuẩn bị tức là chúng ta đang chuẩn bị cho sự thất bại. Khi bạn có đam mê thì trong quá trình học gặp bất cứ khó khăn gì bạn cũng có thể vượt qua. Nếu không có đam mê với nghề mình đã chọn thì rất dễ bỏ cuộc. Việc tìm hiểu và chọn ngành nghề cũng vậy, thí sinh cần phải tìm hiểu thật kỹ, lắng nghe ý kiến của những người đi trước, ý kiến của các chuyên gia… để có quyết định đúng đắn” - PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho hay.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202401/hoc-sinh-gen-z-chu-dong-chon-nganh-chon-nghe-55b5612/