Học sinh lớp 9 sáng chế máy thở thông minh hỗ trợ điều trị Covid-19

Trần Trung Nguyên và Hoàng Văn Đồng, lớp 9B Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Ninh Bình, Ninh Bình) với sự đam mê sáng tạo đã nghiên cứu thành công máy trợ thở thông minh hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Sản phẩm “Máy trợ thở thông minh” đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Ninh Bình dành cho HS trung học năm học 2020-2021. Ảnh: NTCC

Sản phẩm “Máy trợ thở thông minh” đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Ninh Bình dành cho HS trung học năm học 2020-2021. Ảnh: NTCC

Sản phẩm đoạt giải Nhất, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021.

Chung tay giúp bệnh nhân mắc Covid-19

Nói về lý do chọn đề tài, Trần Trung Nguyên cho biết: Bệnh nhân nhiễm Covid-19, virus sẽ tấn công vào phổi, khiến việc đưa oxy vào máu vô cùng khó khăn. Khi đó, việc có một chiếc máy thở sẽ là ranh giới phân định giữa sự sống và cái chết. Tuy nhiên, số máy thở dành cho bệnh nhân nặng tại các cơ sở y tế không nhiều.

Từ đó, nhóm quyết định lên mạng tìm hiểu thông tin, hướng dẫn kết hợp với kiến thức trong sách vở để chế tạo ra “Máy trợ thở thông minh”. Sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng, có thể hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19, giúp bệnh nhân chữa bệnh kịp thời khi bị suy hô hấp do nhiễm virus SARS-CoV-2…

Trần Trung Nguyên cho biết thêm: “Máy trợ thở thông minh” gồm 2 chế độ hoạt động. Với chế độ bán tự động sẽ tùy vào tình trạng của bệnh nhân, dùng biến trở điều chỉnh tốc độ bóp bóng hơi. Lúc này, thiết bị hỗ trợ thở cho bệnh nhân theo nhịp cố định được đặt trước.

Còn với chế độ tự động, máy hoạt cấp khí thở, oxy cho bệnh nhân một cách bình thường. Sau đó cảm biến nhận biết áp suất, loạn nhịp tim hoặc phát hiện loạn nhịp thở (khó thở, suy nhược cơ thể không thể tự thở được) của người bệnh và tự điều chỉnh tốc độ bóp bóng thở đưa không khí, oxy vào phổi giúp nhịp thở ổn định…

Sản phẩm được thực hiện trong 4 tháng, kể từ lúc nảy sinh ý tưởng đến khi hoàn thiện. Những lợi ích chính của “Máy trợ thở thông minh” được đánh giá cao, đó là người bệnh không phải dành năng lượng để thở nên cơ hô hấp có thời gian được nghỉ ngơi.

Cùng đó, cơ thể bệnh nhân có thời gian hồi phục, giúp người bệnh nhận đủ oxy và loại bỏ cacbondioxit; bảo vệ đường hô hấp và ngăn ngừa tổn thương do hít phải dịch từ dạ dày…Do đó, sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn cao, dễ sử dụng. Máy còn tiết kiệm năng lượng, giá thành sản phẩm rẻ hơn những sản phẩm có cùng chức năng. Và hơn thế, đây là sản phẩm thân thiện với môi trường...

2 HS Hoàng Văn Đồng (trái) và Trần Trung Nguyên (phải) bên sản phẩm “Máy trợ thở thông minh”. Ảnh: NTCC

2 HS Hoàng Văn Đồng (trái) và Trần Trung Nguyên (phải) bên sản phẩm “Máy trợ thở thông minh”. Ảnh: NTCC

Thổi đam mê cho nghiên cứu khoa học

Cô Trần Thanh Thùy – giáo viên hướng dẫn Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: Trần Trung Nguyên và Hoàng Văn Đồng là thành viên đội tuyển Toán, Lý và say mê với nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Ngay từ khi 2 em đưa ra ý tưởng, thầy cô trong Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật đã đánh giá tính khả thi và nhiệt tình hỗ trợ, cùng tháo gỡ vướng mắc khó khăn với các em. Để hoàn thành sản phẩm, 2 em đã bỏ nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và lắp ráp sản phẩm cũng như đi lại nhiều lần, tới các cơ sở y tế để cùng đánh giá hiệu quả sản phẩm...

Ở những lần thử nghiệm chưa đạt kết quả như mong muốn, các em không nản chí, tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của GV hướng dẫn và kiên trì nghiên cứu, sửa chữa cho tới khi sản phẩm đạt kết quả, mục tiêu đề ra. Đáng nói, trong thời gian hoàn thành sản phẩm, cả 2 em vẫn phải đi học nên ngoài giờ lên lớp các em gần như dành hết thời gian để tập trung nghiên cứu…

Trần Trung Nguyên chia sẻ: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật mang lại cho chúng em nhiều điều bổ ích. Đó là sự chủ động, sáng tạo hơn trong học tập, hình thành những phương pháp tự học, tự nghiên cứu và tư duy mới, cách thức phát hiện cũng như giải quyết vấn đề...

Còn Hoàng Văn Đồng lại bày tỏ hy vọng những gì đã thu được trong quá trình nghiên cứu tìm tòi như kinh nghiệm, kỹ năng... sẽ là hành trang quý giá giúp em thành công hơn trên con đường chinh phục những thử thách học tập sau này.

Cô Phạm Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong thông tin: Trong 3 năm liên tiếp gần đây, Trường THCS Lê Hồng Phong đều có HS đoạt giải Nhất, Nhì trong cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh dành cho HS trung học.

Việc tham gia nghiên cứu khoa học trong trường học không chỉ giúp HS được tìm tòi khám phá, mà còn hiểu sâu hơn bài học, nắm vững lý thuyết. Do đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật luôn được ban giám hiệu, thầy cô động viên, tạo điều kiện để HS tham gia. Chỉ cần HS có ý tưởng sẽ được tư vấn, hỗ trợ để đăng ký nghiên cứu khoa học ở tất cả lĩnh vực. Các thầy cô hướng dẫn luôn hỗ trợ hết sức trong quá trình HS nghiên cứu và giúp các em đạt được thành tích cao nhất...

Sản phẩm máy trợ thở thông minh của 2 HS Trần Trung Nguyên và Hoàng Văn Đồng đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho HS trung học là thành công bước đầu. Đây là niềm vui, sự tự hào và mang tới động lực lớn lao cho các bạn HS khác của trường quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học. Hy vọng, thời gian tới mô hình máy trợ thở thông minh tiếp tục được hoàn thiện để có thể đưa vào sản xuất và ứng dụng phổ biến vào việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19. - Cô Phạm Thị Huệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/hoc-sinh-lop-9-sang-che-may-tho-thong-minh-ho-tro-dieu-tri-covid-19-HrLkPwwMg.html