Học sinh tử vong do tai nạn ở trường, trách nhiệm thuộc về ai?

Học sinh bị cây đổ dẫn đến tử vong tại TP.HCM, học sinh bị điện giật tử vong trong khi đang cắt tỉa cành cây trong trường… đây là những vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra cho thấy đã đến lúc an toàn trường học phải đặt lên hàng đầu, trách nhiệm thuộc về ai?

Vụ tai nạn cây đổ đè vào nhóm học sinh THCS Bạch Đằng (TP HCM) ngày 26/5 khiến dư luận xót xa. Ảnh: Kim Vân

Vụ tai nạn cây đổ đè vào nhóm học sinh THCS Bạch Đằng (TP HCM) ngày 26/5 khiến dư luận xót xa. Ảnh: Kim Vân

Từ những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp

Vào lúc 6h15 sáng 26/5, cây phượng vĩ cao hơn 10 mét, thân to hai người ôm, phía bên phải sân Trường THCS Bạch Đằng (TPHCM) bất ngờ bật gốc, đè trúng nhóm học sinh vừa đến trường. Vụ việc quá bất ngờ khiến Một học sinh lớp 6.8 tử vong. Hiệu trưởng nhà trường nhận trách nhiệm vì cây xanh trong nhà trường quản lý và đã cho phép đốn bỏ cây phượng còn lại tại trường để đảm bảo an toàn cho các học sinh và giáo viên.

Trước đó, chiều 8/5, học sinh N.T.A (SN 2005) cùng 3 học sinh nam lớp 9B được điều động phân công lao động cắt tỉa cây xanh theo kế hoạch của Trường THCS Quyết Thắng (TP Hải Dương). Trong khi cắt tỉa cành cây, em N.T.A đã bị điện giật ngã xuống đất. Ngay khi xảy ra sự việc, nhân viên bảo vệ nhà trường đã sơ cứu, sau đó trường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Tuy nhiên, do bị thương nặng, sáng 22/5, gia đình đã đưa em T.A về nhà và học sinh tử vong vào 20h15 cùng ngày.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ tai nạn dẫn đến thương tích, tử vong đối với học sinh khi đi học ở trường đã khiến không chỉ phụ huynh trong trường mà với rất nhiều phụ huynh trên khắp cả nước bàng hoàng, xót thương những em học sinh bị tử vong.

"Con đi học bố mẹ chỉ mong sao con khỏe mạnh, ngoan ngoãn và học tập có thêm kiến thức. Đó là mong muốn của bất kể phụ huynh nào chứ không chỉ riêng tôi. Đa số vụ việc là do khách quan, không ai mong muốn, nhưng nếu như có rà soát lại hệ thống cơ sở hạ tầng, cây xanh và đánh giá những nơi có thể xảy ra tai nạn cho học sinh… như vậy cũng hạn chế được những tai nạn xảy ra. Chứ đến lúc xảy ra vụ việc đau lòng, có làm thế nào cũng không lấy lại được sức khỏe, tính mạng cho học sinh", phụ huynh Nguyễn Văn Duy, có con học tại một trường tiểu học tại Hà Nội lo lắng.

Trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?

Tại các địa phương, vào đầu năm học, hay trước mùa mưa bão, ngành giáo dục đều có văn bản chỉ đạo các đơn vị, nhà trường nâng cao các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Cụ thể, tại Hà Nội, Sở GD&ĐT trước mùa mưa bão năm nay đã có văn bản nhắc nhở các Phòng GD&ĐT và các nhà trường tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, trong đó có việc phòng, tránh nguy cơ tai nạn do cây xanh gãy, đổ. Theo đó, các nhà trường phải thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện các cây xanh trong khuôn viên sân trường có nguy cơ gãy, đổ, sâu gốc...; có kế hoạch định kỳ, nhất là vào trước mùa mưa bão về việc cắt cây, tỉa cành, bảo vệ cây, hạn chế tối đa nguy cơ gây mất an toàn đối với học sinh.

Trên thực tế, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành thông tư quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông. Trong đó nêu rõ yêu cầu khắc phục các nguy cơ thương tích trong trường học, thường gặp như tai nạn giao thông, ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, cháy nổ, ngộ độc, vật sắc nhọn đâm, cắt, bạo lực…

Thậm chí, thông tư của Bộ GD&ĐT còn đặt ra quy định cấp chứng nhận về trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích khi 80% nội dung các tiêu chí trường học an toàn được đánh giá là đạt; không có HS bị tử vong hay thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường. Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ mỗi đầu năm học mới của Bộ GD&ĐT về cơ sở vật chất trường học cũng đều nêu rõ: "Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp".

Trước những vụ việc tai nạn học sinh xảy ra tại trường học trong thời gian qua, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho biết: "Vụ việc học sinh bị tử vong do tai nạn trong nhà trường không chỉ bây giờ mà đã từng xảy ra. Dù những vụ tai nạn là hi hữu, không mong muốn, song cũng cần nêu trách nhiệm cụ thể khi xảy ra tai nạn như vậy. Vai trò của nhà trường chủ yếu là làm công tác chuyên môn, tùy từng điều kiện mà chăm lo cơ sở vật chất. Do đó, cần có những quy định cụ thể hơn để giúp nhà trường thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, bởi đôi khi nhân viên nhà trường không có nhiều kiến thức về xây dựng, chăm sóc cây, điện nước… Những quy định, trách nhiệm cần phải cụ thể hơn, chứ không nên chung chung".

Liên quan tới vụ việc học sinh Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) bị tử vong do cây đổ vào người, ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh tử vong và gửi lời thăm hỏi các em học sinh bị thương trước vụ tai nạn nghiêm trọng do cây bật gốc đè trúng. Bộ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM, các Sở GD&ĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Các nhà trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh sinh viên.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/hoc-sinh-tu-vong-do-tai-nan-o-truong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-20200527171007977.htm