Học sinh vi phạm trật tự giao thông liệu có giảm? | Hà Nội tin mỗi chiều

Những âm thanh tưởng chừng có trong một bộ phim hành động nhưng thực chất lại là âm thanh nẹt bô, rú ga của những cô, cậu học trò trên đường được ghi lại. Điều gì đang xảy ra thế này?

Chiều ngày 24/10, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội thông tin, từ 1/10 đến 22/10, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã xử lý 6.037 trường hợp vi phạm luật giao thông thuộc nhóm lứa tuổi học sinh, tạm giữ 2.928 phương tiện các loại. Trong đó, 5.303 trường hợp không đội mũ bảo hiểm; 1.092 trường hợp các em học sinh điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện; 338 trường hợp phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Ngoài ra còn xác minh và lập danh sách 3.370 trường hợp học sinh vi phạm để gửi thông báo đến Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội.

Công an thành phố đã rất quyết tâm trong chiến dịch này và nhiều người tham gia giao thông cũng chung quan điểm này. Rất nhiều lần vào khung giờ cao điểm, trên cung đường Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở, nhiều người suýt va chạm với vài học trò sử dụng xe máy điện. Xe này có thể coi là "sát thủ thầm lặng" vì tiếng vít ga gần như không nghe thấy, nhưng khi tới gần hoặc vụt qua, người đi đường mới giật mình. Mà lạ thay, tại sao các em lại được đi xe máy điện khi đang ở độ tuổi học sinh?

"Mọi hôm em đi xe máy điện thì em sẽ đội mũ bảo hiểm, nhưng em nghĩ đối với xe đạp điện thì không cần ạ" - Em Nguyễn Tuấn Hưng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, phân trần khi bị xử phạt. Nhưng thực chất, chiếc xe mà Hưng điều khiển là xe máy điện. Thực tế cho thấy, hình như nhiều bậc cha mẹ còn chủ quan trong việc quan tâm, giám sát con em mình khi tham gia giao thông, dẫn đến nhiều vi phạm ở độ tuổi này thì phải?

Hình ảnh học sinh vi phạm giao thông. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết.

Hình ảnh học sinh vi phạm giao thông. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết.

Điều này thật đáng lo. Có lần, các tay lái “áo trắng” chất ba chất tư, tạt ngang, xi nhan trái thì rẽ phải không khác gì các “Ninja Lead” trong huyền thoại. Đã thế, mũ bảo hiểm cũng không đội. Những người đi đường lúc đó chỉ lắc đầu - cái lắc đầu đầy bất lực, lo lắng và quan ngại.

Người ta nói: "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò!" Lý do mà các em học sinh đưa ra khi bị bắt vì vi phạm thì vô vàn. Kiểu như: "Đầu em còn ướt nên em sợ nó bị bết tóc, với lại em chỉ di chuyển đến quán cafe để lấy đồ, rồi mới di chuyển đến trường ạ."

Trong tình huống này, các em cần một lời xin lỗi. Xin lỗi vì thực sự đã có lỗi chứ không thanh minh, biện hộ.

Thế còn các bậc phụ huynh thì sao? Ở các cổng trường, đâu đó vẫn có nhiều phụ huynh thiếu gương mẫu khi tham gia giao thông. Có lần đi qua một trường tiểu học, vài phụ huynh không đội mũ bảo hiểm. Không ít lần các bậc phụ huynh đèo con trẻ đến trường mà đi ngược chiều, thậm chí vượt đèn đỏ. Thế thì bảo sao, con số học sinh vi phạm gia tăng.

Có lẽ tuyên truyền là việc không thể không làm nhưng tuyên truyền mà không có biến chuyển thì phải phạt. Phạt mà những con số vi phạm giảm thì mới tạm yên tâm được.

Cảnh sát giao thông huyện Văn Yên tuyên truyền, xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân.

Cảnh sát giao thông huyện Văn Yên tuyên truyền, xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân.

Thời gian tới, Cảnh sát giao thông thành phố sẽ tập trung vào các hành vi vi phạm để nâng cao nhận thức như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, chạy dàn hàng ngang, đi ngược chiều, bấm còi, rú ga...

Ngoài ra, cảnh sát giao thông sẽ xác minh, xử lý các trường hợp giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển, các trường hợp học sinh, phụ huynh vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, trên hè phố, khu vực đường ngang gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Đó là kế hoạch mà Công an thành phố Hà Nội đề ra trong buổi thông tin với báo chí mới đây.

Sự phối hợp 3 bên: gia đình – nhà trường – xã hội cần phải chặt chẽ hơn nữa trong mục tiêu đẩy lùi tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông ở lứa tuổi học sinh. Nhưng chúng ta cũng đừng quên, học sinh là đối tượng trung tâm. Ở lứa tuổi trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới này, tâm sinh lý chưa ổn định, các em cần nhiều hơn cách thức tuyên truyền, giáo dục thực tế và tinh tế, để các em tự chủ động thay đổi hành vi, hướng tới tự giác tuân thủ luật lệ.

Hãy cùng hy vọng, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông ở học sinh trên địa bàn Thủ đô sẽ giảm.

Lê Thông

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/hoc-sinh-vi-pham-trat-tu-giao-thong-lieu-co-giam-ha-noi-tin-moi-chieu-275367.htm