Học sinh vùng nông thôn thiệt thòi
Sự hiện diện của chứng chỉ IETLS, TOEFL, TOEIC trong xét tuyển đại học (ĐH) đã có từ vài năm nay nhưng vào thời gian cận kề kỳ tuyển sinh, vấn đề công bằng và không công bằng liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ với học sinh nông thôn lại được đặt ra.
Lo ngại bất bình đẳng
Kỳ tuyển sinh ĐH năm nay có trên 10 phương thức xét tuyển và cũng như mọi năm, học sinh nông thôn hầu như không dám mơ đến hình thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, điển hình là IELTS. Điều này rõ ràng là một thiệt thòi không thể phủ nhận. Có nhiều em học tốt, ý thức tốt, có tình yêu với ngoại ngữ và cũng có năng khiếu nhưng chương trình học trong sách giáo khoa (SGK) không thể đáp ứng đủ cho kì thi IELTS.
“Chứng chỉ IELTS như tấm áo nhung đẹp mà học trò nông thôn chỉ biết ngắm nhìn, xuýt xoa, thèm muốn mà không có điều kiện sở hữu- kể cả với những học sinh có năng lực và nỗ lực bởi gia đình các em không có điều kiện kinh tế. Tôi rất xót học trò của mình…”- một giáo viên dạy tiếng Anh ngoại thành Hà Nội chia sẻ khi đề cập đến chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh.
IELTS cần nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp; trong khi kiến thức SGK chủ yếu là ngữ pháp. Cô giáo Nguyễn Thanh Diệu- giáo viên dạy tiếng Anh trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ kể: “Ngay từ lớp 10, tôi đã khuyên học sinh của mình tập trung luyện thi IELTS để tăng cơ hội vào ĐH nhưng các em nói, gia đình không có điều kiện. Các trung tâm IELTS ở nội thành, khoảng cách đi lại xa; hơn nữa chi phí học và thi khá lớn, vượt ngoài điều kiện của bố mẹ ở nông thôn chủ yếu mưu sinh bằng đồng ruộng. Mặt khác, bố mẹ ở quê cũng không biết IELTS là gì nên không khuyến khích, định hướng con. Thành ra, cận kề mùa tuyển sinh, nhìn các học sinh buồn, cô cũng chỉ biết động viên các em cố gắng…”.
Theo em Nguyễn Minh Châu, học sinh lớp 12 huyện Thường Tín, em quyết tâm tìm hiểu và tự luyện tiếng Anh định hướng IELTS đã được 2 năm và chuẩn bị cho kỳ thi IELTS vào tháng 3. Thời gian và công sức để ôn luyện là rất lớn nhưng không có người chỉ dạy, hoàn toàn tự học nên thực sự em không tự tin còn bố mẹ thì cứ khuyên nhủ là thi làm gì cho tốn phí thi.
Cô Trịnh Nhung, giáo viên tiếng Anh tại trường THPT Tân Lập, huyện Đan Phương bày tỏ, dù có mong muốn thi IETLS hay các hình thức khác để tăng cơ hội xét tuyển ĐH nhưng vẫn có đến 99% học sinh vùng nông thôn tập trung vào ôn tập để thi tốt nghiệp THPT. Mức độ cạnh tranh ngày càng cao, tỷ lệ xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp năm nay giảm, nhất là các trường thuộc tốp đầu nên nhiều học sinh buộc phải điều chỉnh lại mục tiêu trước đó trong nỗi ngậm ngùi.
Là tiền đề tạo thay đổi và bứt phá
Nhìn vấn đề ở chiều ngược lại, theo cô Nguyễn Thanh Diệu, việc tuyển sinh ĐH dựa trên chứng chỉ IELTS trong giai đoạn hiện này là đúng hướng, là cuộc chơi học sinh phải chấp nhận. “Đây sẽ là động lực lớn, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ giáo viên và học sinh phải thay đổi về tư duy, phương pháp dạy và học tiếng Anh; rộng hơn là đổi mới trong chương trình dạy và học. Lấy ví dụ, tuyển sinh vào khoa Ngôn ngữ Anh thì không nên chỉ xét qua từ vựng, ngữ pháp và đọc trên mặt giấy rồi tích A, B, C, D như thi tốt nghiệp được”.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy bày tỏ: Một số cơ sở giáo dục ĐH thuộc tốp đầu và các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh có sử dụng thêm tiêu chí về chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển là điều bình thường, hợp lý, có tính hội nhập quốc tế. Mặt khác, tiêu chí về IELTS, TOEFL cũng không phải là duy nhất. Thông thường, các trường còn căn cứ kết hợp cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT.
Còn PGS TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo- ĐH Ngoại thương cho rằng, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong những cơ sở để xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất. Nhà trường không xét tuyển hết những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ rồi mới xét tới thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức này là độc lập, ngang hàng, đảm bảo quyền lợi của thí sinh và tạo ra khả năng tiếp cận bình đẳng.
Qua thống kê tổng chỉ tiêu mà các trường xác định cũng như con số nhập học thực tế trong năm 2021, 90% thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác chưa đến 10%. Theo đại diện Bộ GD&ĐT, xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 sẽ không thay đổi quá nhiều so với năm 2021. Vì vậy, các thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng. Việc tuyển sinh luôn tuân thủ nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp theo các ngành nghề lĩnh vực và phương thức tuyển sinh mà các trường áp dụng và quan trọng là cũng tùy thuộc nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào các phương thức. Do vậy, nếu thí sinh không trúng tuyển ở phương thức này, vẫn có cơ hội trúng tuyển bằng phương thức khác theo đúng năng lực của thí sinh trong bối cảnh cạnh tranh với các thí sinh khác có cùng nguyện vọng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoc-sinh-vung-nong-thon-thiet-thoi.html