Hồi âm loạt bài 'Xây 'thành trì lòng dân' ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn'

LTS: Từ ngày 12 đến 16-12, Báo Quân đội nhân dân đăng loạt bài 'Xây 'thành trì lòng dân' ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn'.

Ngay sau khi đăng những bài viết đầu, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, trong đó có nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu... Từ hôm nay, Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến nhằm làm rõ hơn những vấn đề loạt bài đề cập, đồng thời kiến nghị thêm các giải pháp để củng cố và giữ vững "thành trì lòng dân".

* TS NGUYỄN ĐẮC TUYỀN, chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên:

Không để kẻ thù đánh vào “cái bụng của dân”

Một chiêu trò mà thế lực thù địch sử dụng để lôi kéo người dân ở Bình Thuận tham gia gây rối an ninh chính trị (tháng 6-2018) là cho tiền với các mức từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Trước đó gần 20 năm, bọn FULRO cũng đã dùng chiêu thức này: Chúng cho tiền, cho thức ăn để “mớm” người dân xuống đường biểu tình, gây rối.

Như vậy, xét về thủ đoạn thì lực lượng chống phá vẫn tập trung “đánh vào cái bụng”, “đánh vào lòng tham” của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để mua chuộc, dụ dỗ. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS thì công tác xóa đói, giảm nghèo phải được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Theo tôi, để hỗ trợ, giúp đỡ Tây Nguyên trong công tác xóa đói, giảm nghèo, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu để đồng bộ hóa các chương trình, đề án, chính sách... hỗ trợ người DTTS ở Tây Nguyên. Thực tế cho thấy, thời gian qua, tuy số lượng đề án, chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS rất nhiều nhưng việc hướng dẫn do nhiều cơ quan chức năng tiến hành nên dẫn đến thiếu đồng bộ, gây chồng chéo trong triển khai thực hiện. Đặc biệt hiện nay, nguồn lực đầu tư cho chính sách còn ít, dàn trải; một số chương trình, dự án đã được phê duyệt nhưng kinh phí phân bổ chưa đáp ứng; thậm chí có chính sách đã triển khai thực hiện nhưng chưa được cấp vốn... Những vấn đề nêu trên, Trung ương cần sớm quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.

Để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần tiến hành đồng thời các giải pháp lớn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS; ưu tiên tuyển chọn, sử dụng lao động DTTS vào các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị kinh tế-quốc phòng... Tuy nhiên, để "xóa đói bền vững", các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm nhiều hơn đến việc tạo việc làm ổn định, đẩy mạnh đào tạo nghề cho đồng bào DTTS. Phần việc này cần bám sát nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp và chú trọng nhiều hơn đến chất lượng đào tạo. Cùng với đó, các địa phương cần tập trung nâng cao một bước về chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, giáo dục hướng nghiệp cho con em đồng bào các DTTS.

* Anh KPĂ THU, thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai:

Không ở đâu bằng đất nước mình

Tôi đã từng nghe và tin theo những luận điệu lừa bịp, dụ dỗ, kích động của bọn FULRO tham gia biểu tình đòi thành lập cái gọi là “nhà nước Đề-ga”, rồi vượt biên sang Campuchia để mong muốn đến được nước thứ ba tận hưởng cuộc sống đủ đầy, sung sướng. Gần hai năm sống trong trại tị nạn ở Campuchia, tôi mới thấm thía sự cơ cực, tủi nhục và hiểu rõ bản chất xấu xa, thâm độc của bọn phản động FULRO.

Việc chúng vẽ ra cuộc sống như “thiên đường”, nhà cao cửa rộng, không phải lao động cũng có vật chất đầy đủ sau khi biểu tình thành lập cái gọi là “nhà nước Đề-ga”, hoặc vượt biên ra nước ngoài... là hoàn toàn dối trá, lừa bịp. Một bộ phận đồng bào, trong đó có tôi, vì không hiểu biết đã tin theo chúng, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tôi và một số người đã phải trả giá cho sai lầm của mình bằng những năm tháng sống khổ sở trong trại tị nạn, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, áo không đủ mặc. Tối phải ngủ dưới nền đất, không có chăn màn, đau ốm không có thuốc điều trị.

Trái ngược với những tuyên truyền dối trá của bọn phản động FULRO, khi trở về quê hương, tôi được cấp ủy, chính quyền và người dân trong thôn bao dung, động viên, tạo mọi điều kiện để ổn định cuộc sống. Tôi bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Giờ thì đã đủ cơm ăn, áo mặc, con cái được học hành đàng hoàng; tôi còn được bà con và các cấp tín nhiệm cử giữ chức Chi hội trưởng nông dân.

Tôi cảm ơn Báo Quân đội nhân dân đã đăng tải loạt bài viết vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của bọn FULRO, cảnh tỉnh mọi người đề cao cảnh giác cách mạng trước các thế lực chống phá mới. Cũng qua tờ báo, tôi xin được chia sẻ suy nghĩ của mình với bà con trên mọi miền Tổ quốc rằng: Không ở đâu bằng quê hương, đất nước mình! Không ai quan tâm đến nhân dân, chăm lo cho dân như Đảng và Nhà nước của chúng ta!

* Lão thành cách mạng NGÔ THÀNH, 90 tuổi, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai:

Không bao giờ được chủ quan, mất cảnh giác

Tôi đã dành nhiều thời gian trao đổi với nhóm tác giả của loạt bài khi các nhà báo về địa phương tìm hiểu để viết bài. Thế nhưng khi loạt bài được đăng tải, đọc thật kỹ bài 1 và bài 3, tôi thấy mình cần phải nói sâu kỹ thêm về một nội dung mà các nhà báo quân đội đã gợi mở. Đó chính là bài học về sự lơ là, mất cảnh giác của hệ thống chính trị ở cơ sở-một bài học vẹn nguyên giá trị cho đến nay.

Thật sự, với những người từng chứng kiến sự việc ở Tây Nguyên năm 2001 thì ai cũng nuối tiếc vì đáng ra mọi việc có thể nằm trong tầm kiểm soát; có thể hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy. Thế nhưng chính sự chủ quan của cán bộ và người dân đã giúp bọn FULRO và các thế lực thù địch được dịp “đục nước béo cò”, được đà chống phá, gây rối trên diện rộng.

Sự chủ quan trước hết là ở một bộ phận cán bộ bị ngộ nhận về sức mạnh cầm quyền của hệ thống chính trị. Mặt khác, nhiều người cho rằng những tay đầu sỏ FULRO chỉ học hết lớp 2, lớp 3 thì làm sao có thể tạo nên những “xáo trộn” về an ninh chính trị. Trong khi trên thực tế, hoạt động của FULRO có sự móc nối, chỉ đạo và “rót tài chính” từ nước ngoài. Chúng cũng đã mua chuộc, lôi kéo được nhiều "chân rết", hình thành mạng lưới hoạt động tương đối rộng khắp với mưu đồ dựng lên cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”.

Như vậy, chính sự chủ quan, mất cảnh giác là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến xảy ra vụ việc ở Tây Nguyên năm 2001, cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc không chỉ với các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn Tây Nguyên. Điều đó nhắc nhở cả hệ thống chính trị và toàn xã hội rằng: Chưa có bất kỳ phút giây nào, chủ nghĩa đế quốc và lực lượng thù địch từ bỏ ý địch chống phá sự nghiệp cách mạng, âm mưu hạ bệ chính quyền cách mạng của nhân dân. Và chính từ sự việc diễn ra năm 2001 ở Tây Nguyên, tiếp đó là các năm 2004, 2008; cho đến các vụ gây rối, tập trung đông người ở nhiều địa phương khác trong những năm qua, nhất là thực tế diễn ra vào tháng 6-2018 ở Bình Thuận càng minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Do vậy, không bao giờ chúng ta được chủ quan, mất cảnh giác!

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/hoi-am-loat-bai-xay-thanh-tri-long-dan-o-tay-nguyen-tu-bai-hoc-xuong-mau-den-thanh-qua-to-lon-646772