Hồi âm loạt bài: Xây 'thành trì lòng dân' ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn'

Thiếu tướng TRƯƠNG THIÊN TÔ, Phó chính ủy Quân khu 5: Phải 'lo cho dân như lo cho mình': Tôi nhất trí cao với nội dung của loạt bài: 'Xây 'thành trì lòng dân' ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn' đăng trên Báo Quân đội nhân dân những ngày qua.

Loạt bài đã phản ánh trung thực bức tranh toàn cảnh sự việc ở Tây Nguyên năm 2001 và đánh giá sát, đúng về nguyên nhân dẫn tới sự việc nêu trên. Điểm ấn tượng của loạt bài là phần giải pháp được nêu lên khá toàn diện trong từng bài viết, chứ không theo lối cũ là gom vào một vài bài cuối. Cách thể hiện như vậy giúp bạn đọc dễ hiểu, dễ nhìn nhận cụ thể từng vấn đề, sự việc; giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ vận dụng vào việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận (CTDV) trong tình hình mới.

Đúng như loạt bài đã nêu, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc ở Tây Nguyên là một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn xem nhẹ CTDV, có thời điểm còn xa dân. Từ bài học sâu sắc đó, nhiều năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 đã triển khai, thực hiện tốt CTDV; tham gia giúp đỡ nhân dân trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên; nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa với nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và giữ vững tình hình an ninh chính trị địa bàn.

Với khẩu hiệu “lo cho dân như lo cho mình”, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong LLVT quân khu tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tốt CTDV; nhất là lựa chọn, xác định đối tượng và các nội dung, giải pháp tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong 5 năm qua, LLVT Quân khu 5 đã hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng, xóa hơn 500 hộ đói nghèo; xây dựng 2.343 căn nhà tình nghĩa tặng người có công, hộ nghèo; huy động hơn 570.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hàng nghìn lượt phương tiện kỹ thuật giúp dân... Các cơ quan, đơn vị cũng hỗ trợ 1.378 con bò giống, 1.682 con lợn giống và hàng vạn con gia cầm, trao sinh kế cho các hộ gia đình làm ăn; phối hợp cùng địa phương xây mới, củng cố, nâng cấp 42 nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; 43 trạm y tế; 28 công trình nước sạch, 12 chợ, 79 cây cầu kiên cố và san lấp mặt bằng, tạo hàng trăm sân chơi, sân sinh hoạt văn hóa cho nhân dân.

Có thể nói, CTDV của LLVT Quân khu 5 trong những năm qua đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc và tôn vinh hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân trong tình hình mới.

------------------------

* Đại tá NGUYỄN THANH PHONG, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Điều đó có nghĩa là, dân vận tốt sẽ góp phần vào thành công của cách mạng. Ngược lại, dân vận kém sẽ gây chia rẽ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đe dọa đến sự sống còn của Đảng và chế độ như loạt bài “Xây "thành trì lòng dân" sau 20 năm xảy ra bạo loạn ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn” đã phân tích, chứng minh.

Quân đoàn 3 là đơn vị chủ lực, bằng tình cảm và trách nhiệm cao với nhân dân đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng CTDV. Làm lan tỏa hình ảnh, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ; xây dựng cơ sở chính trị và "thế trận lòng dân" vững chắc.

Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 trong những năm qua luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhất là trong hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; kết hợp giữa nhiệm vụ huấn luyện với bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số; thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020. Qua đó hỗ trợ kinh phí, phương tiện và 336.480 ngày công để đổ 37,55km đường bê tông nông thôn; cứng hóa 564,2km đường nông thôn; đào 210,2km kênh nội đồng; di chuyển 212 nhà tại 4 làng của tỉnh Gia Lai theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đơn vị cũng hỗ trợ kinh phí và ngày công xây dựng, tu sửa hàng chục trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các công trình dân sinh, khu vui chơi, giải trí...

Thành quả CTDV và cách thức giúp dân hiệu quả sẽ được chúng tôi tiếp tục phát huy trong thời gian tới, để quân đội luôn xứng đáng là điểm tựa niềm tin của nhân dân!

------------------

* Đồng chí MAI THỊ LAN ANH, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đắc Lắc: Nhận rõ hạn chế để hoàn thiện mô hình kết nghĩa

Tôi nhất trí cao với những phản ánh, đánh giá của Báo Quân đội nhân dân về cách làm sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền vùng Tây Nguyên trong triển khai mô hình kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị với các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Thực tế cho thấy, thời gian qua, phần việc này đã giúp khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa mới; giữ vững kỷ cương, nếp sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật... Đặc biệt, hoạt động kết nghĩa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng.

Đại diện Binh đoàn 15 trao bò giống tặng người dân xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh: TRUNG HIẾU.

Đại diện Binh đoàn 15 trao bò giống tặng người dân xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh: TRUNG HIẾU.

Tuy nhiên, cũng nhận rõ một thực tế là hiện nay nhận thức về chủ trương, ý nghĩa của mô hình kết nghĩa ở một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa sâu sắc; thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư triển khai thực hiện. Một số đơn vị còn nặng tính hình thức, phần lớn các hoạt động khi có sự chỉ đạo của cấp trên mới triển khai; thậm chí, công tác kết nghĩa mới chỉ được thực hiện trên văn bản... Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện công tác kết nghĩa như thể bị bắt buộc; chưa tận tâm giúp đỡ thôn, buôn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mà chỉ mới dừng lại ở mức độ thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, tết, hoặc khi có tình huống phức tạp...

Mặc khác, đa số các buôn tiếp nhận công tác kết nghĩa một cách thụ động; có nơi xuất hiện tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của đơn vị kết nghĩa; cá biệt có nơi đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi vượt khả năng của đơn vị kết nghĩa... Đó là một phần nguyên nhân tạo nên sức ỳ và sự lười nhác ở một bộ phận đồng bào DTTS.

Chính vậy, các cấp ủy, chính quyền cần nhìn thẳng vào những hạn chế, vướng mắc, tập trung lãnh đạo quyết liệt để mô hình kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị với các thôn, buôn vùng đồng bào DTTS ngày đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

---------------------

* Đồng chí LÊ THÁI DŨNG, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc: Lực lượng vũ trang là chỗ dựa vững chắc cho địa phương và nhân dân

Vào năm 2000 và 2001, kẻ xấu dùng chiêu bài lôi kéo, kích động, lừa gạt đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phá rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản Nhà nước và vượt biên trái phép... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần do một bộ phận cán bộ xa dân, thiếu sâu sát cơ sở, không nắm chắc tình hình, tạo nên khoảng cách giữa cán bộ với đồng bào DTTS và đây là kẽ hở để bọn FULRO lợi dụng chống phá.

Nhận thức rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhanh chóng “xốc” lại tinh thần, thành lập các đội tuyên truyền với đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, có uy tín cao thực hiện “3 bám, 4 cùng”, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân. Đứng trong hàng ngũ ấy, các chiến sĩ quân đội và công an luôn là những người xung kích “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động, cảm hóa, giáo dục. Trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong hàng loạt chương trình, đề án được triển khai để từng bước tháo gỡ khó khăn, khôi phục, phát triển kinh tế, đều ghi đậm dấu ấn và đóng góp to lớn của các đơn vị quân đội, nhất là Binh đoàn 15 và các đơn vị kinh tế-quốc phòng. Đặc biệt, trong bất kỳ tình huống nào, Bộ đội Cụ Hồ luôn giữ vững hình ảnh tốt đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là điểm tựa niềm tin của người dân.

Đối với huyện Cư Kuin chúng tôi, giờ đây cuộc sống đã thật sự sang trang. Điều kiện sinh hoạt của đồng bào DTTS trên địa bàn cơ bản đủ đầy, có của ăn của để. Bà con không còn nặng gánh trước những hủ tục lạc hậu, không còn nghe lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu và những kẻ chống phá cách mạng, rồi vượt biên ra nước ngoài. Tình hình an ninh chính trị từng bước ổn định, buôn làng đã bình yên, no ấm.

Có được kết quả đó, tôi đánh giá cao sự chung tay, góp sức của các lực lượng quân đội, công an trong hỗ trợ, giúp đỡ địa phương xây dựng hệ thống chính trị, tham gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình... Người dân Cư Kuin hôm nay đã một lòng tin Đảng, tin chính quyền. Bộ đội nói đồng bào nghe, bộ đội hướng dẫn đồng bào làm theo. Tình cảm quân dân ngày thêm bền chặt!

-------------------

* Đồng chí PỜ HÙNG SANG, Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé, tỉnh Điện Biên: Quyết tâm, quyết liệt giải bài toán “an dân”

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Chính cái đói, cái nghèo, sự thiếu hiểu biết của đồng bào nhưng chưa được các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ kịp thời, hỗ trợ thiết thực đã tạo kẽ hở cho các phần tử phản động lợi dụng, lôi kéo, kích động biểu tình, gây rối trong các năm 2001, 2004 ở Tây Nguyên.

Tôi rất đồng tình với quan điểm “giữ dân, an dân từ cơm no, áo ấm” như loạt bài của Báo Quân đội nhân dân đề cập. Có nghĩa, để đồng bào không tin, không nghe theo kẻ xấu thì hệ thống chính quyền các cấp phải giúp đồng bào có cái ăn, cái mặc, con cái được học hành, ốm đau được chữa bệnh... Đây thực sự là giải pháp căn cơ, giúp giữ dân, an dân có tính chất “sâu rễ, bền gốc”.

Xét về vị trí địa lý, Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển hơn so với những vùng khác có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Tuy nhiên, do địa bàn rộng lớn nên việc tập trung các nguồn lực về ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội còn dàn trải, phân tán, hiệu quả không cao. Mặc dù các thiết chế hạ tầng cơ bản (điện, đường, trường, trạm) cho vùng đồng bào được bảo đảm đầy đủ, nhưng nhìn chung, đời sống đồng bào DTTS nhiều nơi ở Tây Nguyên còn không ít khó khăn và lõi nghèo của vùng vẫn tập trung trong đồng bào DTTS...

Những điểm nghẽn, trở lực này vẫn đang hiện hữu trên địa bàn Tây Nguyên, khiến cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo chưa đạt như kỳ vọng. Điều đó đòi hỏi hệ thống chính trị toàn vùng Tây Nguyên cần quyết liệt hơn nữa để giải quyết "bài toán an dân". Trong giai đoạn hiện nay, các tỉnh vùng Tây Nguyên bên cạnh việc phát huy hiệu quả những nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và các cấp, các ngành thì cần có chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trên cơ sở khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh từng địa phương. Điều quan trọng là phải giúp đồng bào có thể phát triển kinh tế, an cư lạc nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/hoi-am-loat-bai-xay-thanh-tri-long-dan-o-tay-nguyen-tu-bai-hoc-xuong-mau-den-thanh-qua-to-lon-646846