Hội chứng cảm giác kèm

Một vài người có thể nhìn thấy màu sắc - ví dụ số ba là màu vàng - khi cô giáo giảng bài, và một vài người khác có thể nghe thấy những giai điệu tương ứng với mỗi con số mà cô giáo viết lên bảng.

Số ba Mềm và có màu Vàng: Hội chứng Cảm giác Kèm (Synesthesia)

Thông thường các giác quan của chúng ta, hoạt động như những ăng-ten cảm quan, được cài đặt chế độ để cảm nhận các đặc điểm khác nhau của thế giới xung quanh. Chúng mang lại cho chúng ta những hình ảnh riêng biệt, nhưng đều phản ánh cùng một cảnh vật. Ví dụ hãy tưởng tượng một cô giáo đang dạy trong lớp. Chúng ta nghe giọng nói của cô, thấy các con số cô viết, và ngửi được mùi nước hoa cô ấy xức.

Nhưng có một vài người có thể nhìn thấy màu sắc - ví dụ số ba là màu vàng - khi cô giáo giảng bài, và một vài người khác có thể cảm nhận bằng xúc giác mùi nước hoa của cô giáo, hoặc nghe thấy những giai điệu tương ứng với mỗi con số mà cô giáo viết lên bảng. Những người này mắc một chứng bệnh hiếm gặp gọi là chứng cảm giác kèm (synesthesia), là một dạng bệnh mà một hệ thống tri giác của người bệnh khi được kích thích lại dẫn đến trải nghiệm một cảm quan thuộc hệ thống tri giác khác. Dạng phổ biến nhất của chứng cảm giác kèm là kèm hình ảnh thị giác.

 Ảnh minh họa. Nguồn: SHVETS production/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: SHVETS production/Pexels.

Những hình ảnh này thường khá nhất quán, có thể dự đoán được. Ví dụ Mike Dixon và cộng sự tại Đại học Waterloo, Ontario, Canada nghiên cứu một người mắc bệnh này, có biểu hiện là thường nhìn thấy màu sắc khi được cho xem những chữ số màu đen hoặc thậm chí khi được yêu cầu tưởng tượng ra một chữ số.

Những người khác có thể nhìn thấy màu sắc hoặc các hình ảnh khi họ ở trong một tâm trạng nhất định, hoặc khi thấy đau. Lại có những người khác cảm giác có thể “sờ” được những cảm xúc khi họ nghe nhạc. Chúng ta vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng cho chứng cảm giác kèm mặc dù gần đây có rất nhiều nghiên cứu về hiện tượng này. Rất có khả năng một số họa sỹ cũng cảm nhận được rất chân thực và đầy đủ các hình ảnh tưởng tượng vì họ bị chứng bệnh này.

Có một số bằng chứng cho thấy hình ảnh tưởng tượng trong trí não thuộc một hệ tri giác có thể bổ trợ cho hoạt động của một hệ tri giác khác. Ví dụ nhiều vận động viên, là những người có thành tích phụ thuộc rất nhiều vào cảm quan cơ thể, ví dụ khả năng thăng bằng, đã thử cải thiện thành tích bằng hình ảnh thị giác - tức là tưởng tượng và tái diễn kỹ năng của mình trong đầu.

Họ chính là đang dùng hệ thống thị giác để bổ trợ cho hoạt động của hệ thống cảm quan cơ thể. Để ý rằng lời nói hằng ngày của chúng ta cũng thường chứa ngôn ngữ có tính cảm giác kèm - chúng ta dùng những từ như âm thanh sắc (vui tươi) hoặc khô khốc (buồn chán), tông màu ấm hay lạnh và đồ uống nặng (đậm) hay nhẹ (nhạt).

• Phản ứng cảm xúc cung cấp cả năng lượng lẫn mục tiêu cho hành vi. Theo nghĩa này, cảm xúc cho chúng ta biết phải làm gì.

• Charles Darwin xem cảm xúc là phương tiện truyền đạt thông tin nhanh chóng. Cảm xúc có tầm quan trọng to lớn trong sự sinh tồn của các cá thể và loài. Ông so sánh cảm xúc ở người và động vật.

• Một số cảm xúc, chẳng hạn như sợ hãi và ghê tởm, bắt nguồn từ những phần nguyên thủy của não bộ và có chung ở tất cả các loài động vật, trong khi những cảm xúc khác, chẳng hạn như hài hước, cảm giác tội lỗi và ghen tỵ, liên quan đến vỏ não và được cho là chỉ có ở con người.

• Hệ thống thần kinh tự chủ sử dụng các chất dẫn truyền thần kinh và các chất điều biến thần kinh để chuyển các phản ứng cảm xúc thành các phản ứng tinh tế biểu hiện ra bên ngoài.

Joseph LeDoux tin rằng bộ não cảm xúc có hai con đường: một con đường ngắn cho các phản ứng tức thì, bảo toàn mạng sống và một con đường chậm hơn, có sự suy tính kỹ hơn.

• Antonio Damasio đề xuất rằng những ký ức về cảm xúc đã trải qua khiến cơ thể thay đổi trong các tình huống cảm xúc. Ông ấy tin rằng những thay đổi này, cái mà ông gọi là dấu hiệu cơ thể (somatic marker), giúp chúng ta đưa ra quyết định nhanh chóng bằng cách tuân theo thứ mà dân gian gọi là linh cảm.

• Jaak Panksepp lập luận rằng mỗi cảm xúc khác nhau đều có các mạch thần kinh trong não dành riêng cho chúng, một số trong đó tương tác để tạo ra những cảm xúc phức tạp. • Có một số khác biệt trong cách hai bán cầu não xử lý các phản ứng cảm xúc. Tuy nhiên, không một bên não nào xử lý độc quyền cảm xúc theo cách mà não trái chuyên xử lý một số chức năng trí óc.

• Bộ não là nơi xử lý và trải nghiệm cảm xúc, nhưng chúng cũng có thể bị kích động hoặc ảnh hưởng bởi phản hồi từ cơ thể. Do đó, một số nhà nghiên cứu tin rằng máy móc không thể có cảm xúc giống hệt như cảm xúc của con người.

Nhiều tác giả/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoi-chung-cam-giac-kem-post1501810.html