Hồi chuông cảnh báo về quản lý đất đai trước thực trạng BĐKH
'Chính sách hỗ trợ quản lý đất đai bền vững, đảm bảo cung cấp lương thực cho những người dân dễ bị tổn thương, và giữ carbon trong lòng đất trong khi giảm phát thải khí nhà kính' là những giải pháp được nhấn mạnh trong Báo cáo đặc biệt 'Biến đổi khí hậu và đất đai' do IPCC vừa công bố.
Đất đai đang chịu sức ép ngày càng tăng của con người, và biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng góp phần gia tăng những sức ép này. Việc giữ nhiệt độ toàn cầu ấm lên ở mức dưới 2 độ C chỉ có thể đạt được khi giảm phát thải khí nhà kính từ tất cả các lĩnh vực, trong đó có đất đai và lương thực.
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC – trực thuộc Liên Hợp Quốc) cho biết trong Báo cáo mới nhất mang tên “BĐKH và đất đai” vừa được công bố.
Báo động về quản lý đất đai bền vững
Báo cáo chỉ ra rằng, nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành sử dụng đất khác chiếm 23% phát thải khí nhà kính do con người gây ra.
Đồng thời, các quá trình đất tự nhiên hấp thụ CO2 tương đương khoảng 1/3 phát thải CO2 từ các loại nhiên liệu hóa thạch và ngành công nghiệp.
Theo các nhà khoa học, việc quản lý đất đai tốt hơn có thể giúp giải quyết vấn đề BĐKH; trong một số trường hợp, có thể đảo ngược các tác động bất lợi của BĐKH.
Đất đai bị suy thoái sẽ trở nên cằn cỗi, gây khó khăn cho trồng trọt và làm giảm khả năng hấp thụ carbon của đất. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng BĐKH, trong khi BĐKH lại làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái của đất theo nhiều cách khác nhau.
Trong tương lai, cường độ mưa lớn hơn thì nguy cơ xói mòn đất ở các vùng đất canh tác sẽ tăng lên.
Gần 500 triệu người sống ở các khu vực bị sa mạc hóa. Đất đai khô cằn và những khu vực bị sa mạc hóa cũng dễ bị tổn thương trước thực trạng BĐKH và các sự kiện cực đoan như: hạn hán, sóng nhiệt, và bão cát, dân số càng tăng thì sức ép càng lớn hơn.
Theo Báo cáo, tri thức mới cho thấy rủi ro tăng lên ở các vùng khô cằn thiếu nước, hỏa hoạn tàn phá, suy thoái ở khu vực đất bị phủ băng và sự bất ổn ở hệ thống lương thực, thậm chí kể cả khi mức độ nóng lên toàn cầu ở quanh ngưỡng 1,5 độ C.
Vì vậy, đất đai phải giữ được khả năng sản xuất, để đảm bảo an ninh lương thực khi dân số tăng, và khi các tác động tiêu cực của BĐKH đối với cây trồng tăng.
Năng lượng sinh học cần phải được quản lý một cách cẩn trọng, nhằm tránh các rủi ro đến an ninh lương thực, đa dạng sinh học và suy thoái đất đai.
Các kết quả mong muốn sẽ phụ thuộc vào chính sách đúng đắn và hệ thống quả trị ở từng nước.
Thay đổi chế độ ăn uống cũng góp phần giảm BĐKH
Báo cáo của IPCC nhấn mạnh, BĐKH đang tác động đến bốn trụ cột của an ninh lương thực. Gồm: khả năng cung cấp (sản lượng và sản xuất), sự tiếp cận (giá và khả năng có được lương thực), sự tiện dụng (dinh dưỡng và nấu nướng), và sự ổn định (những sự gián đoạn đối với khả năng cung cấp).
An ninh lương thực sẽ ngày càng bị tác động bởi BĐKH trong tương lai, thông qua việc sản lượng giảm sút, nhất là ở các vùng nhiệt đới, khiến giá cả tăng lên, chất lượng dinh dưỡng giảm sút và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Những tác động lớn hơn sẽ ở các quốc gia thu nhập thấp ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và Caribe.
Báo cáo ghi nhận, khoảng 1/3 sản lượng lương thực được sản xuất đã bị thất thoát hoặc lãng phí.
Việc giảm thất thoát và lãng phí này sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính, và tăng cường an ninh năng lượng.
Theo Báo cáo, một số lựa chọn chế độ ăn uống đòi hỏi cần nhiều đất và nước hơn, gây ra nhiều phát thải hơn.
Vì vậy, những cơ hội lớn nhằm thích ứng và hạn chế BĐKH gồm: chế độ ăn uống cân bằng có các thực phẩm từ thực vật (như ngũ cốc thô, các loại đậu, trái cây, rau quả) và thực phẩm có nguồn gốc động vật được sản xuất bền vững trong các hệ thống phát thải khí nhà kính thấp.
Thay đổi chế độ ăn uống, hoặc đảm bảo nhiều loại cây trồng giúp ngăn chặn sự suy thoái đất tiếp theo, và tăng khả năng phục hồi đối với thời tiết khắc nghiệt hoặc thay đổi.
Giảm bất bình đẳng, cải thiện thu nhập, đảm bảo tiếp cận công bằng với lương thực để một số vùng (nơi đất không thể giúp cung cấp thực phẩm đầy đủ) không bị thiệt thòi, sử dụng hệ thống cảnh báo sớm.
Báo cáo cũng cho thấy, việc tập trung tổng thể vào tính bền vững và hành động sớm mang đến những cơ hội tốt nhất để giúp gia tăng dân số thấp, giảm bất bình đẳng, cải thiện dinh dưỡng và giảm chất thải thực phẩm. Theo đó, hệ thống lương thực sẽ linh hoạt hơn, và cung cấp nhiều đất hơn cho năng lượng sinh học, trong khi vẫn bảo vệ rừng và các hệ sinh thái tự nhiên.
Đồng thời, các chính sách về giao thông và môi trường cũng có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng trong việc khắc phục BĐKH. Hành động sớm sẽ tiết kiệm chi phí hơn vì nó tránh được tổn thất.
Sử dụng đất bền vững hơn, giảm tiêu thụ quá mức và lãng phí thực phẩm, loại bỏ việc phá rừng và đốt rừng, ngăn chặn việc khai thác gỗ làm củi đốt quá mức, và giảm khí thải nhà kính, sẽ giúp giải quyết các vấn đề BĐKH liên quan đến đất đai.
Báo cáo “Biến đổi khí hậu và đất đai” là một báo cáo đặc biệt của IPCC về BĐKH, sa mạc hóa, suy thoái đất, quản lý đất đai bền vững, an ninh lương thực, và các nguồn phát thải khí nhà kính trong các hệ sinh thái trên cạn.
Đây là tài liệu khoa học quan trọng phục vụ cho các cuộc thương lượng về môi trường và BĐKH.
Theo Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC: các Chính phủ đã yêu cầu IPCC đưa ra một quan điểm toàn diện lần đầu tiên về hệ thống đất đai - khí hậu tổng thể. IPCC đã thực hiện công việc này thông qua sự đóng góp to lớn của các chuyên gia và Chính phủ trên thế giới.
Báo cáo được chuẩn bị bởi 107 chuyên gia từ 52 quốc gia.
Nhóm tác giả đã thu hút sự đóng góp của 96 tác giả đóng góp; bao gồm hơn 7.000 tài liệu tham khảo được trích dẫn trong báo cáo; và đã xem xét tổng cộng 28.275 ý kiến đánh giá của chuyên gia và Chính phủ.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo cáo của IPCC, đa số tác giả của báo cáo - 53% - đến từ các nước đang phát triển.
Năm ngoái, IPCC đã công bố Báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu 1,5 ° C, xem xét sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 ° C so với mức tiền công nghiệp và các lộ trình phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Dự kiến vào tháng 9.2019, IPCC sẽ công bố Báo cáo đặc biệt về Đại dương và Băng quyển trong một hệ thống khí hậu đang biến đổi.