Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Sát cánh cùng MTTQ Việt Nam thực hiện hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

Giám sát, phản biện xã hội là một hoạt động cơ bản của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, bảo vệ thể chế chính trị, góp phần vào thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Là tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng chính trị nòng cốt, tuyệt đối trung thành, tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, Hội Cựu chiến binh Việt Nam luôn sát cánh cùng MTTQ Việt Nam thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng và Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tham quan mô hình tiêu biểu do Cựu chiến binh làm chủ tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê tại khu công nghiệp Cẩm Giàng (Hải Dương) (tháng 6/2023). Ảnh: Quang Vinh.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng và Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tham quan mô hình tiêu biểu do Cựu chiến binh làm chủ tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê tại khu công nghiệp Cẩm Giàng (Hải Dương) (tháng 6/2023). Ảnh: Quang Vinh.

Những năm qua, thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về phối hợp giám sát và phản biện xã hội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát các nội dung về: giám sát việc thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các kế hoạch, các chương trình dự án phát triển kinh tế văn hóa, xã hội; thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc có liên quan trực tiếp đến Cựu chiến binh và những vấn đề có liên quan theo yêu cầu của MTTQ; giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm; việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; về cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; giám sát công tác cán bộ theo các nghị quyết, quy định của Đảng; giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15 ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Kết quả hoạt động phối hợp giám sát hàng năm của MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, bảo đảm được sự thống nhất, không chồng chéo, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần xây dựng và giúp các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở và cán bộ đảng viên trong việc thực hiện đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh. Thông qua hoạt động giám sát các cấp Hội đã kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp.

Hoạt động phản biện xã hội đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan, khoa học, những tác động xã hội của các dự án luật, các chủ trương, chính sách, đồng thời góp ý, kiến nghị kịp thời những nội dung nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định của pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, phòng ngừa vi phạm pháp luật; giúp các cơ quan chức năng ở các cấp trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Hội có mặt kết quả chưa cao, nhất là công tác giám sát, phản biện xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Đó là qua thực tiễn cho thấy, càng xuống cấp dưới, công tác giám sát, phản biện xã hội càng khó khăn, lúng túng; chưa có nhiều phát hiện sau giám sát mà mới chỉ dừng ở phát hiện, nêu ý kiến. Trong đó, nhiều kiến nghị còn chung chung, không nêu rõ cơ quan thực hiện, giải quyết kiến nghị, chưa có cơ sở đánh giá, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...

Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, thời gian tới, các cấp Hội cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục phát huy vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức Hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Đây vừa là định hướng, vừa là giải pháp cơ bản, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức Hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Để làm được điều đó, đòi hỏi từng cấp Hội tiếp tục quán triệt sâu sắc và kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác Hội Cựu chiến binh, trên cơ sở đó, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là tham gia phản biện đối với việc ban hành các chính sách, điều luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Hai là, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt đối với việc triển khai, thực hiện các điều lệ, nguyên tắc lãnh đạo, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; giám sát việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giám sát việc triển khai xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; giám sát các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên; giám sát, phản biện việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Quan tâm giám sát các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế - bảo vệ môi trường nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân; giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà MTTQ đã kiến nghị, qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức Hội với các cơ quan, tổ chức khác trong thực hiện công tác giám sát. Hoạt động giám sát của các tổ chức Hội chỉ có thể phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả với các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Để tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, lãnh đạo Hội và tổ chức Hội các cấp cần thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận trong nhân dân, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chú trọng công tác tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị.

Bốn là, công tác giám sát phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Các tổ chức Hội phải lựa chọn đa dạng các hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy tính công khai, minh bạch. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông trong quá trình giám sát, phản biện xã hội, nhằm phát huy tính công khai, minh bạch, đặc biệt là nắm bắt dư luận, tập hợp được ý kiến, kiến nghị của hội viên, nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa và luật hóa hoạt động giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức Hội trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Thông qua đó, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

THƯỢNG TƯỚNG BẾ XUÂN TRƯỜNG (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoi-cuu-chien-binh-viet-nam-sat-canh-cung-mttq-viet-nam-thuc-hien-hieu-qua-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-10292362.html