Hội đàm cấp cao tại Alaska: Báo hiệu tương lai khó khăn cho quan hệ Mỹ - Trung
Tại cuộc gặp cấp cao ở Alaska, các quan chức Mỹ - Trung mới chỉ thống nhất về vấn đề biến đổi khí hậu và một số vấn đề về ngoại giao, song vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng nghiêm trọng.
Dấu ấn của cuộc gặp đầu tiên này chính là các cuộc tranh cãi gay gắt trong phiên mở màn diễn ra vào chiều 18/3 theo giờ địa phương, cho thấy mức độ căng thẳng và đối đầu giữa hai bên.
Vẫn còn nhiều bất đồng
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì ở Alaska hôm 18/3. Cuộc hội đàm lần này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, các nhà ngoại giao của hai cường quốc kinh tế thế giới có cơ hội thảo luận trực tiếp.
Trong ngày đầu tiên của cuộc hội đàm kéo dài 2 ngày, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có những cuộc tranh luận căng thẳng và kéo dài về vấn đề nhân quyền trước ống kính truyền hình ngay trong ngày 18/3.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết sẽ đưa ra "những quan ngại sâu sắc" của chính quyền Tổng thống Biden với một số hành động của Trung Quốc.
Ngay lập tức, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì phản pháo với bài phát biểu dài 15 phút, vượt quá thời hạn 2 phút mà quan chức hai bên đã thống nhất trước thềm hội đàm.
Ông Dương Khiết Trì cũng cảnh báo Mỹ dừng can thiệp vào "công việc nội bộ" của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington nên "ngừng thúc đẩy nền dân chủ với phần còn lại của thế giới".
Điều này dường như khiến Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ và ông giữ các phóng viên trong phòng họp báo để đáp trả, thay vì bắt đầu cuộc họp riêng với quan chức Trung Quốc.
Phần phát biểu mở đầu dự kiến chỉ kéo dài vài phút trở thành cuộc công kích ăn miếng trả miếng dài hơn một giờ. Ngoại trưởng Blinken nói ông hài lòng với bình luận từ phía Trung Quốc rằng Mỹ đã trở lại và đang tiếp tục tham gia vào các công việc của thế giới, song cũng quan ngại sâu sắc.
Cuộc “đấu khẩu” công khai diễn ra sau nhiều ngày Mỹ và Trung Quốc có những động thái "thăm dò" thái độ của đối phương. Ngay trước thềm diễn ra cuộc hội đàm cấp cao, Washington đã áp lệnh trừng phạt với hàng loạt quan chức Trung Quốc vì vai trò trong nỗ lực thay đổi hệ thống bầu cử Hồng Kông.
Phát biểu với phóng viên sau khi kết thúc cuộc gặp tại Alaska hôm 19/3, Ngoại trưởng Blinken cho biết, đã dành một số giờ trong 2 ngày qua để trao đổi với các đối tác Trung Quốc về nhiều chủ đề khác nhau.
Mặc dù còn một số vấn đề mâu thuẫn, nhưng hai bên đã có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn về Iran, Triều Tiên, Afghanistan và về biến đổi khí hậu, những chủ đề mà hai nước có lợi ích giao thoa.
Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ đã nói rõ với các đối tác Trung Quốc về việc đang xem xét các vấn đề liên quan tới kinh tế, thương mại và công nghệ, trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với Quốc hội, với các đồng minh và đối tác của mình.
Ông Blinken khẳng định, Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ thực thi hành động theo cách bảo vệ đầy đủ, nâng cao lợi ích của người lao động và doanh nghiệp Mỹ.
“Có 2 điều chúng tôi muốn làm khi đến đây và gặp gỡ các đối tác Trung Quốc. Đầu tiên, chúng tôi muốn chia sẻ với họ những quan ngại sâu sắc về một số hành động mà Trung Quốc đã thực hiện và hành vi mà Trung Quốc đang thể hiện, những lo ngại được chia sẻ bởi các đồng minh và đối tác của Mỹ, và chúng tôi đã làm được điều đó. Thứ hai, chúng tôi cũng muốn vạch ra rất rõ ràng các chính sách, ưu tiên, thế giới quan của riêng mình và chúng tôi cũng đã làm được điều đó” - Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho biết, phái đoàn Mỹ đã dự định thảo luận trực tiếp và mạnh mẽ với đại diện Trung Quốc về hàng loạt vấn đề và đó chính xác là những gì đã thực hiện.
Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ, đại diện phái đoàn nước này đã hoàn thành nhiệm vụ trong hội nghị cấp cao ở Anchorage.
Về phần mình, trong bài viết được đăng tải vài giờ sau phiên gặp mặt đầu tiên, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV nói bài phát biểu khai mạc của phía Mỹ đã "vượt quá thời gian giới hạn một cách nghiêm trọng" và "khơi mào mâu thuẫn" khi "tấn công vô căn cứ" vào chính sách đối nội, đối ngoại của Bắc Kinh.
Theo ông Dương Khiết Trì, cuộc gặp Mỹ - Trung ở Alaska mang tính xây dựng và có ích, dù hai bên có khởi đầu căng thẳng. "Cuộc gặp mang tính thẳng thắn và có ích, giúp xây dựng hiểu biết lẫn nhau", nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết sáng 20/3, sau khi kết thúc cuộc hội đàm 2 ngày với quan chức Mỹ.
Ông Dương thể hiện quan điểm tích cực về sự kiện này, cho rằng mục tiêu của nó là thực thi những vấn đề được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất với Tổng thống Biden trong cuộc điện đàm hồi tháng 2, nhưng nhấn mạnh "vẫn còn nhiều khác biệt quan trọng giữa hai bên".
"Hai bên cần xử lý quan hệ Mỹ - Trung dựa trên nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhằm tiến tới quan hệ song phương ổn định", ông Dương Khiết Trì cho hay.
Cuộc gặp 'ném đá dò đường'
Quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi nghiêm trọng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, khi hai nước đối đầu nhau liên quan đến nhiều vấn đề như dịch Covid-19, thương mại, Đài Loan, Hồng Kông và quyền sở hữu trí tuệ.
Cả Bắc Kinh và Washington đều không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp tại Alaska. Mặc dù thể hiện sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc nếu phù hợp với lợi ích của Mỹ, song những dấu hiệu ban đầu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden vẫn sẽ tiếp nối chính sách “cứng rắn” trong quan hệ với Trung Quốc.
Tổng thống Biden từng tuyên bố rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất của Mỹ” và chính quyền của ông sẽ theo đuổi chính sách “cạnh tranh gay gắt” với quốc gia này, trong khi đó Ngoại trưởng Blinken cho rằng Bắc Kinh đang đặt ra "thách thức quan trọng nhất" đối với Mỹ so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Mặc dù hai bên không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, song cả Mỹ và Trung Quốc đều bỏ ngỏ cơ hội có thể hợp tác trong tương lai.
Mỹ khẳng định hai nước có lợi ích chung về vấn đề Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Trung Quốc thông báo cuộc hội đàm diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng và có lợi, đồng thời cho rằng hai bên nên thực hiện chính sách “không xung đột” để định hướng quan hệ theo một quỹ đạo lành mạnh và ổn định trong tương lai.
Hãng tin Xinhua của Trung Quốc hôm 20/3 cho biết, kết thúc cuộc gặp cấp cao tại Alaska, quan chức hai nước đã quyết định thành lập một nhóm công tác về biến đổi khí hậu và nhất trí tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán “để tạo điều kiện cho các hoạt động của các cơ quan ngoại giao và các cơ quan đại diện lãnh sự của mỗi nước.
Xinhua không cung cấp chi tiết về nhóm làm việc chung về biến đổi khí hậu, song nói rằng cả hai nước đều cam kết tăng cường đàm phán và hợp tác trong lĩnh vực này.
Theo Xinhua, hai bên đã thảo luận về việc điều chỉnh các chính sách du lịch và thị thực Covid-19 và các thỏa thuận đối ứng để tiêm chủng cho các nhà ngoại giao của Trung Quốc và Mỹ.
Trước đó, Mỹ đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Houston vào năm ngoái và Trung Quốc đã đáp trả bằng cách đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại TP Thành Đô.
Đánh giá về kết quả này, truyền thông Trung Quốc nhận định cuộc gặp quan chức cấp cao tại Alaska sẽ mở đường cho các vòng đối thoại tiếp theo hợp lý và thực tiễn hơn giữa hai bên.
Giới quan sát nhận định rằng, dù Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ còn mất nhiều thời gian để có thể thu hẹp những bất đồng hiện tại, song cuộc gặp đã một lần nữa khẳng định rằng đối thoại nên là lựa chọn ưu tiên cho mối quan hệ luôn căng thẳng giữa hai nước.
Cuộc gặp này có thể “mở đường” để khởi động lại các cuộc đối thoại cấp chuyên viên về những vấn đề gây tranh cãi, nối lại các vòng đối thoại chiến lược cấp cao, cũng như để hai bên đánh giá và định hình lại phản ứng thực tế đối với những mối lo ngại và tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau.
Đánh giá về các bước đi để cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian tới, chuyên gia cao cấp David Dollar của Viện Brookings cho rằng, cả hai bên sẽ còn nhiều vấn đề chưa thể thống nhất quan điểm, nhưng không nên chú trọng quá mức đến những bất đồng.
“Mỹ sẽ duy trì lợi ích của mình khi ngăn không cho những bất đồng này vượt “lằn ranh đỏ” biến thành xung đột. Để thực hiện mục tiêu này, cả Mỹ và Trung Quốc có thể hạ nhiệt căng thẳng bằng những quyết định đơn giản như mở cửa lại các lãnh sự quán và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà báo từ hai nước” - chuyên gia David Dollar nhấn mạnh.
Một số bước đi thiện chí như vậy sẽ có tác dụng xây dựng lòng tin, đặt nền tảng để hai bên có thể giải quyết những bất đồng lớn hơn. Chuyên gia này hy vọng quan hệ Mỹ - Trung sẽ đạt được một số tiến triển trong quan hệ song phương sau cuộc hội đàm cấp cao lần này.