Hỏi-đáp pháp luật

* Bạn đọc Lê Văn Sang ở phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 17 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể:

1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

b) Chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.

2. Nội dung hỗ trợ bao gồm:

a) Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới;

b) Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng;

c) Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;

d) Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ;

đ) Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.

3. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

* Bạn đọc Đỗ Quyền Tùng ở xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, hỏi: Trong trường hợp nào thì Văn phòng Thừa phát lại bị tạm ngừng hoạt động?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 29 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

a) Trưởng Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập hoặc tất cả các Thừa phát lại hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại;

b) Không đảm bảo điều kiện hoạt động khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định tạm ngừng hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ khác, thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký với người lao động; đối với hợp đồng dịch vụ đã ký kết mà chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện xong thì phải chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Các hồ sơ do Văn phòng Thừa phát lại tạm ngừng hoạt động thực hiện vẫn được tiếp tục lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-797352