Hỏi - đáp pháp luật: Những hành vi nào bị coi là vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới?

*Bạn đọc Nguyễn Diệu Hoa ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Những hành vi nào bị coi là vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 4 Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30-12-2015 quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL ngày 21-2-2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cụ thể như sau:

1. Có chất bị cấm hoặc các chất chuyển hóa hoặc các dấu vết của chất bị cấm trong mẫu xét nghiệm của vận động viên.

2. Sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.

3. Lảng tránh, từ chối hoặc bỏ lỡ việc lấy mẫu thử mà không phải vì lý do bất khả kháng sau khi có thông báo.

4. Vi phạm các yêu cầu liên quan đến sự có mặt của vận động viên để kiểm tra doping ngoài thi đấu.

5. Làm sai lệch hoặc gây cản trở đối với bất kỳ công đoạn nào của việc kiểm tra doping.

6. Sở hữu chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.

7. Buôn bán chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.

8. Cho vận động viên uống, sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm trong thi đấu hoặc ngoài thi đấu; hỗ trợ, khuyến khích, giúp sức, sai khiến, bao che hoặc dính líu đến bất kỳ hành vi đồng lõa nào khác vi phạm quy định về phòng, chống doping.

9. Đồng lõa, bao che cho một hoặc nhiều hành vi quy định từ khoản 1 đến khoản 8 điều này.

10. Vận động viên có liên hệ về chuyên môn thể dục thể thao với huấn luyện viên, người hướng dẫn, bác sĩ hoặc bất kỳ ai đang trong thời gian bị kỷ luật do vi phạm quy định về phòng, chống doping.

11. Kỳ thị, trù dập người tố cáo hành vi vi phạm doping.

* Bạn đọc Trần Thanh Tâm ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 31 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.

2. Người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-nhung-hanh-vi-nao-bi-coi-la-vi-pham-bo-luat-phong-chong-doping-the-gioi-732002