Hỏi đáp phòng, chống Covid-19?
Dịch Covid-19 đang trở lại với những diễn biến phức tạp. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh? Cần làm gì để tăng cường khả năng miễn dịch phòng tránh virus Corona?...
Đã có nhiều người tử vong do bệnh nền và nhiễm Covid-19 trong vài ngày qua, trong đó có cả bệnh nhân trẻ tuổi. Vì vậy, bảo vệ bản thân và gia đình như thế nào để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, nhất là khi gia đình có người già, trẻ em, đang là mối quan tâm của nhiều người. Đợt dịch này có những dấu hiệu cho thấy SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn và nguy cơ biến chuyển nặng rất nhanh nếu người nhiễm bệnh đã cao tuổi và có bệnh nền.
Sau đây là những câu hỏi và trả lời của chuyên gia về các giải pháp phòng dịch Covid-19 hiệu quả:
Hỏi: SARS-CoV-2 có lây qua sữa mẹ không? Nếu mẹ bị nhiễm thì có nên tiếp tục cho con bú không?
Trả lời: Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng việc virus SARS-CoV-2 lây qua sữa mẹ. Tổ chức Y tế thế giới vẫn khẳng định việc cho con bú đem lại lợi ích nhiều hơn so với nguy cơ lây nhiễm Covid-19.Tuy nhiên, nếu người mẹ bị nhiễm Covid-19 khi cho con bú hoặc chăm sóc con, phải đảm bảo tốt các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm, bao gồm: Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, nếu có thể nên vắt sữa cho con bú thay vì cho bú trực tiếp.
Hỏi: Tôi có thói quen tập thể dục mỗi sáng tại công viên gần nhà. Để phòng tránh lây nhiễm Covid-19, tôi phải đeo khẩu trang khi tập thể dục nhưng điều này lại ảnh hưởng đến sự thông khí. Nếu tập thể dục nơi công cộng mà không đeo khẩu trang, không tiếp xúc với mọi người thì nguy cơ nhiễm cao không?
Trả lời: Việc đeo khẩu trang trong khi tập thể dục đôi khi ảnh hưởng đến sự thông khí. Tuy nhiên nó giúp chúng ta hạn chế được nguy cơ lây nhiễm qua đường hô hấp. Nếu như tập thể dục ở trong công viên mà có nguy cơ tiếp xúc gần với đối tượng khác, chúng ta cũng phải đeo khẩu trang. Nếu chúng ta có điều kiện tập thể dục ở nơi vắng, không có nguy cơ tiếp xúc với những người khác, khi đó có thể không cần đeo khẩu trang.
Hỏi: Tại sao có người khi nhiễm Covid-19 nhanh chuyển tiến đến giai đoạn nặng, thậm chí tử vong nhưng có người lại không? Mức độ gây bệnh nặng, nhẹ phụ thuộc như thế nào về độ tuổi, giới tính?
Trả lời: Mức độ nặng hay nhẹ của người bị nhiễm Covid-19 phụ thuộc vào đáp ứng của cơ thể người đó với mầm bệnh và cơ địa, các bệnh lý nền đồng nhiễm.Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy người cao tuổi, người có các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận... có nguy cơ diễn biến nặng hơn những người khác.
Hỏi: Siêu thị có là môi trường dễ lây nhiễm không? Khả năng này có cao không?
Trả lời: Hiện nay Covid-19 đã lưu hành ở cộng đồng tại một số địa phương. Khi đó, ngoài cộng đồng rất khó nhận biết ai là người lành, ai là người đang mang mầm bệnh. Chính vì vậy chúng ta nên tránh tập trung đông người, đặc biệt ở những môi trường kín sử dụng điều hòa không khí như siêu thị.
Khi vào những môi trường đó, phải chú ý giãn cách, khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 2m, sử dụng khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn nhanh.
Hỏi: Tiêm ngừa vắcxin cúm có tác dụng phòng dịch Covid-19 không?
Trả lời:Tiêm vắc xin cúm cũng đã được nêu trong một số nghiên cứu cho thấy văc xin cúm cũng góp phần kích hoạt hệ thống miễn dịch tế bào. Từ đó, có thể giảm bớt một phần nguy cơ mắc Covid-19. Ngoài ra, việc có kháng thể với cúm cũng giúp bệnh nhân nếu không may mắc Covid-19 sẽ không bị nhiễm cùng với cúm. Từ đó hạn chế bớt các trường hợp nặng khi đồng nhiễm.
Hỏi: Cường độ sức đề kháng con người bao nhiêu đủ sức chống Covid-19 xâm nhập? Phải làm gì để có sức đề kháng đó?
Trả lời: Đề kháng chống các mầm bệnh có hai dạng: Đề kháng tự nhiên và đề kháng thu được (do tiêm phòng hoặc miễn dịch hình thành sau khi bệnh nhân nhiễm bệnh và đã khỏi bệnh). Không có thang đo mức độ đề kháng tự nhiên bao nhiêu cho đủ để chống được bệnh tật.
Còn với các miễn dịch thu được, riêng với Covid-19 hiện nay chưa có vắc xin. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, miễn dịch thu được ở người bệnh sau khi nhiễm và khỏi Covid-19 thì không bền. Do vậy chưa khẳng định chắc chắn người đã từng nhiễm Covid-19 thì không bị tái nhiễm.
Do chưa có thang đo sức đề kháng bao nhiêu là đủ để chống lại Covid-19, các chuyên gia chỉ khuyên chúng ta nên hạn chế các hành vi gây ảnh hưởng đến sức đề kháng tự nhiên như: Sử dụng rượu bia, thuốc lá...
Hỏi: Nên duy trì chế độ ăn như thế nào để tăng sức đề kháng phòng bệnh Covid-19, đặc biệt đối với người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, suy thận mạn?
Trả lời: Chế độ ăn cân bằng được khuyến cáo cho tất cả mọi người nhằm duy trì một sức khỏe ổn định. Theo đó, cần có sự cân bằng giữa các nhóm thức ăn giàu đạm, các chất béo, tinh bột và các vi chất.
Riêng về vi chất, các nghiên cứu gần đây đã chứng minh vitamin C, D, kẽm là những vi chất có ích trong dự phòng bệnh Covid-19.
Với những người bệnh đái tháo đường tuýp 2 và suy thận mạn cần tuân thủ các điều trị duy trì hiện áp dụng, và tham vấn các bác sĩ đang điều trị cho mình để có chế độ dinh dưỡng hợp lí nhất.
T.K (b/s)
“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”
Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.