Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mô góp phần phát triển kinh tế ở địa phương

Thời gian qua, các thành viên Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mô đã tích cực, năng động, nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương ngày càng phát triển.

Công nhân tạo mẫu sản phẩm tại Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát.

Công nhân tạo mẫu sản phẩm tại Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát.

Là công ty hoạt động trong lĩnh vực gia công, may mặc xuất khẩu, Công ty TNHH Asia+ ở thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô) luôn nỗ lực thay đổi mẫu mã, tìm kiếm, mở rộng thị trường, do vậy giá trị xuất khẩu liên tục tăng qua các năm. Đến nay, qua gần 10 năm hoạt động, Công ty đã xây dựng nhà xưởng khang trang rộng gần 2.000 m2, dây chuyền sản xuất hiện đại, mỗi tháng xuất ra thị trường hàng nghìn sản phẩm quần áo thời trang các loại.

2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp may gặp khó khăn, thậm chí phải tạm dừng sản xuất do đầu ra không ổn định. Nhưng doanh nghiệp luôn sáng tạo ra những mẫu mã mới, nỗ lực tìm kiếm thị trường và ký kết hợp đồng xuất khẩu, nhờ đó sản phẩm và doanh số đều ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động, với thu nhập bình quân từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.

Chị Trần Thị Hiền, Giám đốc Công ty cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận từ phía chính quyền và các sở, ngành liên quan, do đó, các thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư, chính sách hoàn thuế và thủ tục xuất, nhập khẩu… được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Công ty đã phát triển được 3 cơ sở chính và 5 đơn vị vệ tinh trong và ngoài tỉnh. 100% công nhân được tham gia đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước nên yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Chị Dương Thị Hà, công nhân làm việc tại Công ty cho biết: Tôi vào làm việc từ những ngày đầu Công ty đi vào hoạt động. Được làm việc gần nhà, có việc làm, thu nhập ổn định nên tôi có điều kiện lo cho con cái học hành cũng như công việc gia đình. Ngoài ra, Công ty còn đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như các chế độ thưởng ngày lễ, Tết nên chúng tôi yên tâm gắn bó với công việc và đồng hành cùng Công ty phát triển.

Những tháng đầu năm 2024, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, dẫn đến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, sự quan tâm tạo điều kiện của Hội Doanh nghiệp huyện, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã nỗ lực, đổi mới sáng tạo, quyết tâm duy trì, phát triển sản xuất.

Tính đến tháng 10/2024, Yên Mô có 311 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dich vụ, thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động, thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng, hàng năm đóng góp gần 30 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, chiếm tỷ trọng rất lớn trong thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, công tác phát triển hội viên, hoạt động hỗ trợ hội viên được Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mô quan tâm. Hội Doanh nghiệp huyện đã kết nối các doanh nghiệp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời thông tin tình hình mới trên địa bàn huyện để doanh nghiệp biết và thực hiện. Mặt khác, tổng hợp các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền vào cuộc tháo gỡ kịp thời.

Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số ngành nghề phát triển như khai thác khoảng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, may mặc thủ công mỹ nghệ… Nhiều doanh nghiệp có quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành như Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Yên Từ; Công ty Xuân Tùng; Doanh nghiệp tư nhân Phú Quang; Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát…

Công ty Asia+ đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Công ty Asia+ đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Bút, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mô cho biết: Những năm qua, ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hội Doanh nghiệp huyện luôn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội như: Hỗ trợ chăm lo người cao tuổi; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách; ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; người nghèo; các cháu thiếu nhi; xóa nhà tạm cho hộ nghèo…

Với sự năng động, nhạy bén trong kinh doanh, các doanh nghiệp hội viên đã khai thác các lợi thế, tiềm năng của huyện để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của huyện. Cùng với đó, để tạo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu, thị hiếu khách hàng, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Bút, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện cho biết thêm: Trong thời gian tới, Hội chú trọng công tác phát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng, gắn với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Bên cạnh đó, tạo mối liên hệ mật thiết, gắn bó giữa Hội với doanh nghiệp, tích cực vận động các hội viên, doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ban Chấp hành Hội phát huy hơn nữa vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các doanh nghiệp hội viên. Hội thực sự là cầu nối để nắm bắt, phản ánh kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Tiến Đạt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-doanh-nghiep-huyen-yen-mo-gop-phan-phat-trien-kinh-te-o/d20241010095425370.htm