Hội đồng của nhân dân: TPHCM đề xuất 28 cơ chế chính sách đặc thù để phát triển đường sắt đô thị

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM. Dự án có chiều dài gần 20km, gồm 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tuyến metro này được phê duyệt vào năm 2007 với kế hoạch đưa vào vận hành vào năm 2015. Tuy nhiên, đã phải điều chỉnh thời gian hoàn thành nhiều lần do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cho đến nay, tiến độ toàn dự án đã đạt hơn 98% và gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để đưa vào vận hành vào cuối năm 2024, sau 12 năm xây dựng và nhiều lần trễ hẹn.

Cho đến nay, tuyến Metro số 1 mới dần hoàn thành, dự kiến vận hành vào quý 4/2024. Tuyến metro số 2 đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2030. Tuyến metro số 5 đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Trong khi đó, mục tiêu theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị đưa ra trong hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị, trong 12 năm tiếp theo, TPHCM phải hoàn thành 183km cho các tuyến đô thị còn lại. Đây là một thách thức rất lớn.

Kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM khóa X diễn ra từ ngày 15-17/7 đã thông qua Nghị quyết về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Trong đó, TPHCM xây dựng 28 cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, chưa từng có, được kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM.

Theo đề án, giai đoạn từ nay đến 2035 TPHCM cần hơn 871.216 tỷ đồng (khoảng hơn 34 tỷ USD) để hoàn thành 183km đường sắt đô thị. Riêng từ nay đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 31km.

Trong 28 cơ chế chính sách đặc thù được trong đề án Phát triển đường sắt đô thị TPHCM vừa được HĐND TPHCM thông qua, có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội; 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

TPHCM xác định đường sắt đô thị là trục xương sống của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải. Việc đầu tư xây dựng hệ thống này là việc cần thiết và cấp bách, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Với Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố phấn đấu phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, hình thành phương thức vận tải công cộng văn minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đạt từ 15-20%, và sau năm 2035 đạt 50-60%. Để đạt được mục tiêu đó, việc HĐND ban hành Nghị quyết để triển khai là cần thiết, góp phần thúc đẩy dự án sớm hoàn thành./.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hoi-dong-cua-nhan-dan-tphcm-de-xuat-28-co-che-chinh-sach-dac-thu-de-phat-trien-duong-sat-do-thi-230666.htm