Hội đồng Giáo sư Nhà nước: 'Xét giáo sư, phó giáo sư năm 2022 thực hiện chính xác, khách quan'
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS. TS Dương Nghĩa Bang Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, công tác xét giáo sư, phó giáo sư năm 2022 được thực hiện chính xác, khách quan, theo đúng các quy định hiện hành.
Giảm số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư và vấn đề “liêm chính học thuật”
"Báo động" số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm
Ngành Tâm lý “trắng” ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư năm 2022
Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận 383 ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2022
Những con số ấn tượng trong xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2022
- Ông nhận xét và đánh giá thế nào về số lượng và chất lượng ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay?
PGS. TS Dương Nghĩa Bang: Ngày 29.10.2022, Hội đồng Giáo sư (HĐGS) nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã tổ chức phiên họp lần thứ X để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2022.
Kết quả số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là 383 ứng viên, trong đó 34 ứng viên GS, 349 ứng viên PGS. So với những năm từ 2019 trở lại đây, số lượng ứng viên được HĐGS nhà nước công nhận chức danh GS, PGS không có sự khác biệt nhiều (năm 2019 là 425 ứng viên (76 GS, 349 PGS); năm 2020 là 339 ứng viên (39 GS, 300 PGS); 2021 là 405 ứng viên (42 GS, 363 PGS).
Trong quá trình xét, HĐGS nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ GS, PGS. Ngay trước khi HĐGS các cấp thực hiện công tác xét, HĐGS nhà nước đã kịp thời ban hành Công văn số 98/HĐGSNN ngày 27.6.2022 gửi các cơ sở giáo dục đại học, các HĐGS cơ sở, các HĐGS ngành, liên ngành quán triệt các nội dung thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng quy định hiện hành bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường tính khách quan, công khai minh bạch, đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên.
Nội dung Công văn đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu các HĐGS các cấp quan tâm đến vấn đề chuyên môn, học thuật, liêm chính khoa học trong các công trình của ứng viên, xem xét giải quyết theo đúng quy định các ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hồ sơ ứng viên.
Ngay trước khi các HĐGS ngành, liên ngành chuẩn bị thực hiện công tác xét, HĐGS nhà nước đã tổ chức phiên họp IX vào ngày 08.9.2022 thống nhất cụ thể, chi tiết các vấn đề về chuyên môn, học thuật, liêm chính khoa học, việc đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí trong công tác xét năm 2022 để thống nhất trong tất cả các HĐGS ngành, liên ngành.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐGS nhà nước, Văn phòng HĐGS nhà nước đã triển khai bài bản công tác tập huấn, hướng dẫn cho ứng viên và thành viên HĐGS các cấp, triển khai giám sát, hướng dẫn, rà soát hồ sơ ứng viên nghiêm túc, hiệu quả được các HĐGS ngành, liên ngành và HĐGS cơ sở đánh giá cao.
Với tổng hợp các giải pháp đã thực hiện, Hội đồng Giáo sư nhà nước khẳng định, về mặt bằng chung chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022 bảo đảm chất lượng được nâng cao theo đúng các quy định hiện hành. Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều HĐGS ngành, liên ngành thì trình độ ngoại ngữ của các ứng viên ngày càng tốt hơn.
- So với vòng xét từ Hội đồng giáo sư cơ sở đến Hội đồng Giáo sư ngành và vòng cuối là Hội đồng Giáo sư Nhà nước, số ứng viên không đạt cũng khá nhiều, lý do vì sao nhiều ứng viên bị loại ở vòng cuối như vậy thưa ông?
PGS. TS Dương Nghĩa Bang: HĐGS các cấp tổ chức xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Giáo sư nhà nước và các quy định hiện hành. Trong quá trình xét, HĐGS các cấp đều thẩm định, đánh giá và thảo luận kỹ về hồ sơ ứng viên bảo đảm kết quả đánh giá chính xác, khách quan.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ứng viên không đạt tại HĐGS các cấp khá đa dạng như: không đủ minh chứng về tiêu chuẩn theo quy định đối với chức danh GS, PGS tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo khoa học tổng quan và trả lời chất vấn không thuyết phục HĐGS cơ sở và HĐGS ngành, liên ngành về chuyên môn…
Tất cả những trường hợp này, HĐGS các cấp đều dành nhiều thời gian trao đổi thảo luận trước khi lấy phiếu tín nhiệm để đảm bảo đánh giá chính xác, khách quan, vừa bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành, vừa bảo đảm quyền lợi của ứng viên.
Ở vòng xét của HĐGS nhà nước, một số ứng viên không đạt là do không đủ minh chứng về tiêu chuẩn theo quy định đối với chức danh GS, PGS tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tất cả những trường hợp này, HĐGS nhà nước đã dành nhiều thời gian trao đổi thảo luận về những giải trình của Chủ tịch (hoặc đại diện Thường trực) các HĐGS ngành liên ngành, đối chiếu những minh chứng có trong hồ sơ ứng viên với những quy định hiện hành để đánh giá chính xác, khách quan.
- Hội đồng Giáo sư Nhà nước có giải pháp, đề xuất gì để vừa nâng cao chất lượng, số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư hiện nay?
PGS. TS Dương Nghĩa Bang: Với kết quả đạt được trong đợt xét năm 2022, HĐGS nhà nước tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong công tác xét bảo đảm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ GS, PGS theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
Thực hiện hiệu quả công tác tập huấn các văn bản phục vụ công tác xét GS, PGS cho các ứng viên và thành viên HĐGS các cấp; Hoàn thiện văn bản, thống nhất về công tác xét đối với tất cả các HĐGS cơ sở và HĐGS ngành liên ngành; Chỉ đạo Văn phòng HĐGS nhà nước thực hiện tốt công tác giám sát, hướng dẫn các HĐGS cơ sở, các HĐGS ngành, liên ngành, đặc biệt là công tác rà soát hồ sơ ứng viên.
Lắng nghe ý kiến phản ánh của xã hội, của cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước để công tác xét ngày một hiệu quả hơn. Công khai kết quả xét tại HĐGS các cấp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xét để nâng cao hiệu quả công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trong thời gian tới.
Về việc nâng cao số lượng ứng viên GS, PGS, HĐGS nhà nước cho rằng, các cơ sở Giáo dục đại học, các Viện nghiên cứu có đào tạo Tiến sĩ cần có chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao có học hàm GS, PGS trong cơ quan, đơn vị của mình.
Các đơn vị cần có định hướng và có chính sách hỗ trợ cho giảng viên nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế để giảng viên nâng cao năng lực ngoại ngữ, nâng cao khả năng công bố quốc tế cả về số lượng và chất lượng công trình, tăng cường tính hội nhập quốc tế để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao trong công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Xin cám ơn ông!
Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Bùi Công Duy bị loại ở vòng cuối
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy (sinh ngày 2/2/1981) là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - một trong những ứng viên phó giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục Thể thao nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, ông đã bị loại ở vòng xét cuối cùng Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy
PGS.TS Dương Nghĩa Bang, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, ứng viên Bùi Công Duy, sau khi nghe báo cáo của đại diện Hội đồng Giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã dành nhiều thời gian, thảo luận kỹ về hồ sơ ứng viên.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước thống nhất: ứng viên có nhiều thành tích trong biểu diễn nghệ thuật, nhưng hồ sơ ứng viên còn thiếu nhiều tiêu chuẩn được quy định tại Quyết định 37.
Ứng viên Bùi Công Duy đã hoàn thành chương trình học nghiên cứu sinh, nhưng chưa có bằng tiến sĩ (tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ), thiếu thâm niên và giờ giảng từ trình độ đại học trở lên, công bố chưa đủ 3 bài báo quốc tế uy tín, thiếu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, tổng điểm công trình khoa học không đủ theo quy định.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 21, Quyết định 37 về trường hợp đặc biệt thì hồ sơ của ứng viên không có minh chứng về "những đóng góp nổi trội cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước và thế giới".
Sau khi thảo luận, phân tích hồ sơ ứng viên, đối chiếu các quy định tại Quyết định 37, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã biểu quyết nhất trí không xét hồ sơ ứng viên theo trường hợp đặc biệt (Điều 21, Quyết định 37) và hồ sơ ứng viên không đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Quyết định 37.
Được biết, nghệ sĩ Bùi Công Duy từng đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ năm 1997.
Bùi Công Duy tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại nhạc viện Tchaikovsky (Nga) và là người nước ngoài đầu tiên trở thành thành viên của dàn nhạc dây danh tiếng trên thế giới Virtouse Moscow.
Ông đã tham gia hàng trăm chương trình biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước, trong đó có 48 chương trình tiêu biểu. Nghệ sĩ từng biểu diễn độc tấu cùng Dàn nhạc tại Phòng hòa nhạc lừng danh Berliner Philharmonic. Ông là người sáng lập ra cuộc thi Violin và hòa tấu thính phòng quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Chương trình được TheViolinChannel đánh giá một trong 20 sự kiện, cuộc thi đáng chú ý trên thế giới năm 2019.
Nghệ sĩ cũng nhiều lần được mời đi giảng dạy tại các trại hè hay liên hoan Âm nhạc quốc tế tại Mỹ (Trường ĐH Bắc Texas) và Thụy Sĩ (Borromeo Festival), nơi NSND Đặng Thái Sơn đã tham gia giảng dạy tại mùa hè năm nay. Ông đã công bố 7 bài báo trong nước và 1 bài báo quốc tế tại Nga trên tạp chí Khoa học ISSN.
Ngoài ra, NSƯT Bùi Công Duy cũng tham gia chấm thi quốc gia và quốc tế, trong đó có 2 lần chấm thi tại Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế mang tên Tchaikovksy dành cho các nghệ sĩ trẻ. Từ 2021, ông được mời giảng dạy cho nghiên cứu sinh tại Trường Đại Học S. Paul - Manila (Phillipines).
Các học trò được nghệ sĩ Bùi Công Duy huấn luyện, đào tạo đã đoạt 23 giải thưởng quốc tế và 5 giải quốc gia.
Hiện, nghệ sĩ Bùi Công Duy là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ông cũng là Phó Giám đốc trẻ nhất trong lịch sử 65 năm của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trước đó, ông từng đảm nhận vị trí Phó Trưởng khoa Dây, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (từ 2010-2013), Trưởng Khoa Dây (từ 2013-2017).