Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 25-9, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị thẩm định Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, mô hình tổ chức chính quyền đô thị đã được Quốc hội cho phép thí điểm tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng, đây là cơ sở thuận lợi cho Thành phố Hồ Chí Minh tham khảo kinh nghiệm trong việc xây dựng, trình thẩm định Đề án.

Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương xây dựng Đề án, tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Bộ Nội vụ cũng đã có các buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành để hoàn thiện Đề án.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Thanh Tuấn)

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Thanh Tuấn)

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng, là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất (gồm tất cả 24 quận, huyện, 259 phường) từ năm 2009 đến năm 2016 theo Nghị quyết số 26/2008/QH12.

Khi thực hiện thí điểm, quyền làm chủ của Nhân dân luôn được đảm bảo và không ngừng phát huy thông qua việc tăng cường và đẩy mạnh hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND Thành phố. Thông qua vai trò của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, người dân có nhiều kênh tham gia ý kiến hoặc phản ánh trực tiếp đến các cấp UBND.

Đây là một trong những cơ sở thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả các cấp hành chính.

Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành sẽ có tác động tích cực đến tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân Thành phố nói chung.

Báo cáo Đề án tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND Thành phố và UBND Thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng (Ảnh: Thanh Tuấn)

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng (Ảnh: Thanh Tuấn)

Chính quyền địa phương ở quận là UBND quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính quyền địa phương ở phường là UBND phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đề án cũng điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và quy định nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường.

Ông Nhân cũng cho hay, khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, cơ cấu tổ chức của các quận, phường gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi trị trí việc làm. Nhân sự của UBND cấp quận, cấp phường đều thực hiện chế độ bổ nhiệm nên thuận lợi trong chỉ đạo điều hành các công việc hành chính trên địa bàn, linh hoạt hơn trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, thực hiện tinh giản biên chế, giảm được phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp đại biểu HĐND ở quận và ở phường; góp phần cải cách hành chính, giảm bớt trình tự, thủ tục trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương quận, phường, giảm thời gian giải quyết công việc…

Báo cáo thẩm định Đề án, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh đã bám sát các nội dung tại các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng; đã đề xuất cụ thể các mô hình tổ chức, chế độ công chức, công vụ tại quận, phường; có kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể.

Tuy nhiên, đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá kỹ lưỡng kết quả không tổ chức HĐND huyện, quận, phường giai đoạn 2009-2016 để làm cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất tổ chức chính quyền đô thị trong Đề án…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, các thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất cao với sự cần thiết và mục tiêu của Đề án. Để đảm bảo tiến độ, Thứ trưởng đề nghị Vụ Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện Đề án, khẩn trương thực hiện các bước để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoi-dong-tham-dinh-thong-nhat-thong-qua-de-an-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-211424.html