Hội đồng trường sẽ quyết định nhiệm kỳ hiệu trưởng
Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học – Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết nhiệm kỳ của hội đồng trường sẽ tính từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận.
Luật 34 và Nghị định 99 thì khi thực hiện tự chủ, Hội đồng trường phải là đại diện của cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động của trường, tránh lạm quyền của hiệu trưởng hoặc một số đơn vị.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện do nhiều lý do khác nhau mà Hội đồng trường tại nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thực quyền, nhưng tới đây tình trạng này cần chấm dứt.
Bộ trưởng Nhạ: Hội đồng trường phải có thực quyền, chủ quản không nên can thiệp
Liên quan đến vấn đề Hội đồng trường, ngày 6/1, tại hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Nghị định 99) diễn ra tại 6 đầu cầu trên toàn quốc, ông Nguyễn Tiến Công - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là một trường công lập và hiện đã có hội đồng trường theo đúng Luật 34.
Hội đồng trường này đã quyết định thành lập từ ngày 6/12/2019 nhưng nhiệm kỳ 2018 -2025. Vậy việc tính thời gian của nhiệm kỳ hội đồng trường tính theo ngày tháng nào, có đúng là tính theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng không?
"Hội đồng trường hoạt động đến hết nhiệm kỳ, có nhiệm vụ quyết định nhân sự hiệu trưởng và các nhân sự khác theo quy định. Trường hiện đã có hiệu trưởng thì trường có phải thực hiện quyết định hiệu trưởng này không?
Theo quy định chủ tịch hội đồng trường là viên chức trong nhà trường, việc đánh giá xếp loại hàng năm sẽ diễn ra như thế nào và ai là người đánh giá?", ông Công đặt vấn đề.
Trong khi đó, Phó giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ - hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn, thắc mắc: "Hiện nay có những hội đồng trường đã được thành lập trước ngày nghị định 99 có hiệu lực 15/2/2020, như vậy phải thực hiện ra sao?".
Trước những thắc mắc này, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học – Nguyễn Thị Kim Phụng giải đáp rằng nhiệm kỳ của hội đồng trường sẽ tính từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Và Luật 34 quy định đó là nhiệm kỳ 5 năm.
Nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của hội đồng trường, như vậy Luật 34 sẽ không quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng bao nhiêu năm nhưng hội đồng trường sẽ quyết định nhiệm kỳ hiệu trưởng trong thời hạn nhiệm kỳ hội đồng trường, điều này quy định rõ trong luật.
Theo Luật Giáo dục đại học, tới đây sẽ triển khai một cách gấp rút tự chủ đại học nhưng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chúng ta phải thực hiện căn cơ, tránh trường hợp có những đổ vỡ, rối loạn.
“Tôi tin, năm 2020 là năm bản lề chúng ta thực hiện Luật 34, Nghị định 99, để giai đoạn 2021-2025 giáo dục đại học của chúng ta có những đột phá” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng chia sẻ, tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng, công khai để các cơ quan giám sát.
Ví dụ về văn bằng, các trường phải công khai cơ sở dữ liệu. Người sử dụng lao động hay ai quan tâm đều có thể truy cập dữ liệu này, biết được sinh viên có theo học hay không, học thế nào, ngăn chặn cơ bản việc sử dụng bằng giả.
Điều này thể hiện rõ trách nhiệm giải trình cao. Đặc biệt, các trường năng lực tự chủ thấp nhưng lạm dụng quyền này sẽ bị siết chặt chất lượng.
Bằng đại học, chứng chỉ các loại chỉ cần tiền là...mua được
Ngoài ra, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 138 về xử phạt hành chính các trường và đơn vị vi phạm trong quản lý chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ đang rà soát, xây dựng các văn bản liên quan quy chế đào tạo theo tinh thần của Luật 34 và Nghị định 99 về: Quy chế tuyển sinh theo tinh thần tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Bốn quy chế đào tạo này sẽ giúp bỏ những quy định có tính chất hành chính, tạo nên hệ thống hành lang pháp lý mạch lạc.
“Chất lượng là cái đích các trường cần hướng tới. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo luật chơi, giám sát, công khai, xử phạt mạnh đơn vị thực hiện sai, khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho trường tạo nên sự cạnh tranh minh bạch và bình đẳng. Trường đại học chất lượng kém sẽ tự bị thị trường đào thải hoặc bắt buộc phải đổi mới”, tư lệnh ngành giáo dục nhấn mạnh.