Hồi kết của dòng máy bay chiến đấu F-16 đã điểm?

Không quân Mỹ đang dần cho nghỉ hưu những chiếc F-16 Fighting Falcons lâu đời nhất của mình, nhưng sẽ giữ lại các mẫu Block 40 và Block 50 mới hơn hoạt động cho đến ít nhất là đầu những năm 2040. Những phiên bản còn hoạt động sẽ được nâng cấp liên tục để duy trì hiệu quả chiến đấu.

Trong khi Không quân Mỹ không mua thêm chiến đấu cơ F-16 mới, Lockheed Martin vẫn tiếp tục sản xuất các biến thể tiên tiến của dòng máy bay chiến đấu này cho khách hàng quốc tế. Dự kiến việc sản xuất F-16 sẽ tiếp tục cho đến cuối thập kỷ này.

Vào ngày 20/9 vừa qua, các phi công đã tốt nghiệp khóa đào tạo F-16 cuối cùng tại Căn cứ Không quân Luke ở Arizona – đánh dấu việc kết thúc gần 5 thập kỷ đào tạo nhân sự lái dòng máy bay này. Căn cứ Luke sẽ tập trung hoàn toàn vào đào tạo phi công lái chiến đấu cơ F-35A Lightning II. Chương trình đào tạo phi công F-16 trong tương lai sẽ chuyển đến Căn cứ Không quân Holloman ở New Mexico.

Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcons. Ảnh: Military.

Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcons. Ảnh: Military.

Từ F-16 sang F-35: Sự chuyển đổi lớn ở Căn cứ Không quân Luke

Năm ngoái, Không quân Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ cho nghỉ hưu những chiếc F-16 Fighting Falcon lâu đời nhất của mình. Mặc dù vậy, lực lượng này hy vọng các mẫu Block 40 và Block 50 mới hơn của mình sẽ vẫn được sử dụng cho đến ít nhất là đầu những năm 2040 trong khi tiếp tục thực hiện việc nâng cấp và cải tiến để cho phép máy bay duy trì lợi thế của mình trong chiến đấu.

Mặc dù Không quân Mỹ hiện không còn mua thêm F-16 mới nữa, Lockheed Martin - công ty hiện đang sản xuất loại máy bay chiến đấu đa năng này – vẫn đang sản xuất các biến thể mới nhất cho khách hàng nước ngoài trên khắp thế giới. Hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục cho đến cuối thập kỷ này.

Bất chấp thực tế đó, có thể lập luận rằng "sự khởi đầu của hồi kết" đối với dòng máy bay đã cất cánh lần đầu tiên cách đây 50 năm đã điểm. Thông báo hôm 30/9 của Căn cứ Không quân Luke (AFB), Arizona, về việc cho tốt nghiệp những phi công Fighting Falcon cuối cùng là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này.

Căn cứ Không quân Luke (AFB) đóng vai trò là trung tâm đào tạo cho các phi công F-16 trong gần 5 thập kỷ, nhưng vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã phát đi thông báo rằng Phi đội Chiến đấu cơ số 56 của Luke AFB hiện sẽ chuyển "hoàn toàn sang đào tạo F-35A Lightning II". "Sự thay đổi này sẽ bao gồm việc cập nhật các chương trình, cải tạo cơ sở hạ tầng và tháo dỡ thiết bị F-16 để chuẩn bị cho các hoạt động của F-35".

Phi đội 56 là phi đội chiến đấu cơ lớn nhất thế giới, đóng vai trò là "phi đội đào tạo phi công chiến đấu chủ chốt đang phục vụ" của Không quân Mỹ và "là một phần của Bộ Tư lệnh Giáo dục và Đào tạo Không quân" - nơi đào tạo cả nhân sự lái "máy bay chiến đấu F-35A Lightning II và F-16". Theo thông tin trên trang web của Căn cứ Không quân Luke (AFB), đây là nơi đào tạo "hơn 400 phi công và 300 chuyên gia kiểm soát không lưu mỗi năm".

Trung tá Mike Ress trả lời phỏng vấn 12News về quá trình chuyển đổi hiện nay ở Căn cứ Không quân Luke, cho biết: "Đây là một quá trình chuyển đổi, việc huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu sẽ tiếp tục ở Luke, phi đội máy bay chiến đấu 309 sẽ không biến mất, chúng tôi chỉ đang chuyển sang F-35 và đây là quá trình hiện đại hóa chứ không phải là kết thúc".

“Chim cắt” F-16 Fighting Falcon có gì đặc biệt?

F-16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu đa năng hạng trung thế hệ thứ tư. Nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2/1974 và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 17/8/1978.

Hiện tại, F-16 đang nằm trong biên chế quân đội hơn 20 quốc gia trên thế giới. Tập đoàn Lockheed Martin (trước đây là General Dynamics) đã sản xuất tổng cộng hơn 4.500 chiếc F-16. Chi phí của một trong những phiên bản máy bay chiến đấu phổ biến nhất (Block-52) vượt quá 40 triệu USD, không bao gồm chi phí vận hành và vũ khí.

Tốc độ tối đa của F-16 Fighting Falcon là 2100km/giờ và trần bay tối đa đạt 12km. Phi hành đoàn tiêu chuẩn của F-16 là một phi công và có một số phiên bản 2 phi công (huấn luyện, trinh sát…). Bán kính chiến đấu của máy bay lên tới 1.800km. Phạm vi bay tối đa là 4.000km.

F-16 được trang bị pháo hàng không M61A1 6 nòng 20mm với 511 viên đạn và tổng trọng tải vũ khí mang theo là 9 tấn lắp đặt ở các giá treo dưới cánh và thân.

Tính đến tháng 7/2023, có 935 chiếc F-16 Fighting Falcon đang hoạt động trong phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ.

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Nguồn: National Interest

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/hoi-ket-cua-dong-may-bay-chien-dau-f-16-da-diem-post1125834.vov