Hội nghị G7: Nỗ lực vực dậy, củng cố niềm tin

Trong bối cảnh 'rối ren' khi chiến tranh thương mại leo thang, suy thoái kinh tế, khủng hoảng chính trị ở một số nước châu Âu, rạn nứt quan hệ giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU),… Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được xem như 'cầu nối' quan trọng, giúp 'xoa dịu' hàng loạt bất ổn đang diễn ra trên toàn cầu.

Toàn cảnh Hội nghị G7. Ảnh: Reuters

Toàn cảnh Hội nghị G7. Ảnh: Reuters

Từ ngày 24 đến 26-8, Hội nghị G7 lần thứ 45 đã diễn ra tại thành phố Biarritz của Pháp. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên trong Nhóm gồm: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; Tổng thống Mỹ Donald Trump; Thủ tướng Đức Angela Merkel; Thủ tướng Anh Boris Johnson; Thủ tướng Italy Giuseppe Conte; Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo; Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ngoài ra, lãnh đạo nước khách mời tham dự gồm: Ấn Độ, Australia, Tây Ban Nha và Chile.

Những mục tiêu mà Hội nghị lần này hướng tới là chống biến đổi khí hậu; giải quyết bất ổn về an ninh, khủng bố; bảo vệ quyền và lợi ích của con người. Trong đó, những nội dung trọng tâm là giải quyết những “nổi cộm” về kinh tế, chính trị, tư tưởng nhằm “hạ nhiệt” các cuộc khủng hoảng đang đe dọa tới hợp tác quốc tế. Trong khi tham vọng của nước chủ nhà Pháp là giải quyết tận gốc vấn đề bất bình đẳng toàn cầu.

G7 vốn có vai trò dẫn dắt, tác động mạnh mẽ, thậm chí là có tính quyết định đối với những thách thức chung của toàn cầu. Vì vậy, Hội nghị thường niên của G7 là sự kiện lớn, và từng diễn biến đều có những tác động nhất định tới tình hình chung của thế giới. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, kết quả Hội nghị G7 luôn bị coi là thất bại bởi sự bất đồng. Nếu như năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ký vào Tuyên bố chung, thì năm 2017, Mỹ cũng rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Năm nay, Hội nghị G7 tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức, khi diễn ra trong bối cảnh thế giới bị bao trùm bởi màu sắc “u ám”. Trong bối cảnh đầy rối ren đó, G7 được đặt kỳ vọng là một “cú hích mạnh” nếu đạt sự đồng thuận trong những thỏa thuận chung.

Tại Hội nghị lần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra cảnh báo rằng, căng thẳng thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại đang gia tăng sẽ gây suy thoái kinh tế thế giới. Theo Tổng thống Macron, điều các nước cần làm bây giờ là tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế nhằm ngăn chặn suy thoái, thay vì gia tăng các lệnh trừng phạt.

Đồng quan điểm đó, lãnh đạo EU khẳng định, căng thẳng thương mại làm xói mòn niềm tin giữa các nước. Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định: “Hiệp định thương mại thúc đẩy tăng trưởng, còn chiến tranh thương mại gây suy thoái kinh tế”. Chương trình nghị sự của Hội nghị cũng tập trung tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng thương mại EU - Mỹ.

Về phía Mỹ, những động thái của Tổng thống Donald Trump tại G7 luôn là tâm điểm của truyền thông do các quyết định của ông được cho là phá bỏ cấu trúc của G7. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định, ông đã có cuộc gặp tốt nhất từ trước tới giờ với các nhà lãnh đạo G7 với sự đồng thuận cao.

Bên lề Hội nghị G7, Tổng thống Mỹ đã có những cuộc hội đàm riêng với các nhà lãnh đạo G7. Qua đó, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí về một thỏa thuận thương mại song phương lớn về nông nghiệp; Mỹ và Canada cùng đánh giá cao Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ sửa đổi (USMCA); Thỏa thuận thương mại Anh – Mỹ sau khi Anh rời EU đều được 2 nhà lãnh đạo đánh giá đầy triển vọng;…

Giữa những bất ổn hiện tại, với vai trò chủ trì, Tổng thống Pháp Macron đã đặt quyết tâm lớn biến Hội nghị G7 trở thành “cầu nối” quan trọng giải quyết những thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Trên thực tế, quyết tâm đó đã giúp G7 giảm nhiệt nhiều vấn đề “nóng” của thế giới trong thời gian qua.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoi-nghi-g7-no-luc-vuc-day-cung-co-niem-tin/