Hội nghị 'khủng' thảo luận về tình hình Afghanistan

Hôm nay (19/12), Pakistan chào đón các phái đoàn từ 57 quốc gia Hồi giáo đến tham dự hội nghị nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan.

Địa điểm diễn ra Hội nghị OIC bàn về vấn đề Afghanistan ngày 19/12. (Nguồn: Daily Pakistan Global)

Địa điểm diễn ra Hội nghị OIC bàn về vấn đề Afghanistan ngày 19/12. (Nguồn: Daily Pakistan Global)

Với sự tham dự của 150 đại biểu đến từ 57 quốc gia, hội nghị của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) là diễn đàn lớn nhất từng được tổ chức để thảo luận về tình hình Afghanistan kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại nước này hồi tháng 8 vừa qua.

Sau sự thay đổi này, cộng đồng quốc tế đã đóng băng các các khoản hỗ trợ và nhiều tài sản với tổng giá trị hàng tỷ USD dành cho Afghanistan.

Liên hợp quốc nhiều lần cảnh báo Afghanistan đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng khẩn cấp nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới do cùng lúc khủng hoảng cả về thực phẩm, nhiên liệu và tiền mặt.

Trong báo cáo hôm 14/12 về tình hình nhân quyền ở Afghanistan, Phó Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Nada Al-Nashif nêu rõ, phần lớn nền kinh tế Afghanistan đã bị tê liệt, điều này được thể hiện qua sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng.

Dự báo trong mùa Đông này, người dân Afghanistan phải đối mặt với tình trạng đói nghèo nghiêm trọng, các dịch vụ công bị hạn chế và xuống cấp, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ông Amir Khan Muttaqi, người được lực lượng Taliban chỉ định làm Ngoại trưởng Afghanistan, cũng là một trong các đại diện tham dự hội nghị lần này cùng các phái đoàn từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc.

Hiện chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền mới ở Afghainstan do Taliban đứng đầu và các nỗ lực ngoại giao đều đang bế tắc trong việc tìm cách đưa các khoản trợ cấp nhân đạo đến nước này mà không trở thành các khoản tài trợ cho chính quyền Taliban.

Trước đây, chỉ có 3 quốc gia là Pakistan, Saudi Arbia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) công nhận chính quyền do Taliban đứng đầu nắm quyền kiểm soát tại Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho biết hội nghị của OIC sẽ "lên tiếng vì người dân Afghanistan" hơn là vì một tổ chức riêng biệt.

Các bên tham gia mong muốn hội nghị này sẽ trở thành diễn đàn để thuyết phục Taliban thông qua những sáng kiến cụ thể và đi đúng hướng.

An ninh tại thủ đô Islamabad được thắt chặt, cảnh sát và binh lính được huy động bảo vệ các tuyến đường trong thời gian diễn ra hội nghị.

(theo Reuters, Dawn)

Nguyễn Hoàng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-khung-thao-luan-ve-tinh-hinh-afghanistan-168419.html