Hội nghị rút kinh nghiệm không chỉ để báo cáo thành tích

Việc tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm là một trong những biện pháp quan trọng giúp cấp ủy, người chỉ huy đánh giá khách quan, thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, từ đó đề xuất biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, nếu hội nghị chuẩn bị không chu đáo mà chủ yếu nêu thành tích, giấu giếm khuyết điểm thì chỉ gây lãng phí tiền của, mất thời gian, không mang lại hiệu quả.

Thời gian qua, việc tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm được nhiều cơ quan, đơn vị triển khai cơ bản nền nếp, chất lượng. Đối với những nhiệm vụ càng mới, càng khó khăn, phức tạp thì hoạt động trên càng được các đơn vị tiến hành thường xuyên hơn.

 Chỉ huy Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 thường xuyên kiểm tra, nắm thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Chỉ huy Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 thường xuyên kiểm tra, nắm thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Trước khi sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, quy định thành phần, thời gian tổ chức hội nghị để các bộ phận liên quan làm công tác chuẩn bị, nhất là báo cáo trung tâm. Việc triển khai rút kinh nghiệm cũng được tiến hành chặt chẽ từ dưới lên trên, chú trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, đề xuất từ cơ sở, cấp trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Đình Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) cho biết: “Quá trình tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, bên cạnh thành tích cần biểu dương thì một trong những mục đích quan trọng là phải thẳng thắn chỉ ra được hạn chế, khuyết điểm, tìm được nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, sát thực tiễn. Đồng thời, thông qua hội nghị cần phát hiện được những cách làm hay, sáng tạo để phổ biến, nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị khác cùng học tập, làm theo, qua đó nâng cao chất lượng công việc”.

Tuy nhiên, trên thực tế, vì muốn “đánh bóng tên tuổi”, lấy lòng cấp trên nên vẫn có những hội nghị “trống giong cờ mở”, tổ chức hoành tráng, tốn tiền của, công sức nhưng khi bước vào rút kinh nghiệm lại sơ sài, các số liệu báo cáo thiếu trung thực, chủ yếu là thổi phồng thành tích, làm ít nói nhiều, làm dở nói hay; ít đề cập đến tồn tại, hạn chế, hoặc có nói đến nhưng không hết, nói chung chung, đại khái, đổ lỗi cho khách quan...

Hiện tượng này tuy không nhiều, xuất hiện đơn lẻ nhưng lại vô cùng nguy hại. Nhiều ý kiến cho rằng, việc “tô hồng” báo cáo là hành động “dối trên lừa dưới”, một biểu hiện của bệnh thành tích nhằm mục đích phục vụ lợi ích cá nhân, cục bộ.

Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm giảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, người chỉ huy; triệt tiêu động cơ phấn đấu trong sáng của cán bộ, chiến sĩ, từ đó khuyết điểm không được khắc phục, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Để xảy ra tình trạng “tô hồng” báo cáo, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, chỉ huy đơn vị, nhất là cán bộ chủ trì. Vì thế, muốn khắc phục tình trạng này, trước hết cấp ủy, chỉ huy các cấp phải nhận thức đúng đắn về mục đích của hội nghị rút kinh nghiệm; khi lãnh đạo, chỉ đạo làm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải thực sự khách quan, trung thực; khen, chê rõ ràng đến từng cá nhân, tập thể.

Đại tá Lê Văn Đang, Chính ủy Lữ đoàn 454 (Quân khu 3) chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi luôn khuyến khích các cơ quan, đơn vị khi tổ chức sơ kết, tổng kết phải mạnh dạn, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, chỉ ra những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện nhiệm vụ để tìm cách tháo gỡ. Khi nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với cấp dưới, cấp trên cần tránh phê bình cực đoan bởi như vậy sẽ khiến cấp dưới phát sinh tâm lý sợ nhận khuyết điểm, dẫn đến thiếu trung thực khi báo cáo”.

Đại tá Nguyễn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 513 (Quân khu 3) nhấn mạnh thêm: “Để cấp dưới không “tô hồng” được báo cáo thì quan trọng nhất là cấp trên phải thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc để nắm thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị thuộc quyền. Khi tham dự các hội nghị rút kinh nghiệm, ngoài nghe báo cáo của đơn vị thì cấp trên cũng phải tìm hiểu, lắng nghe nhiều nguồn thông tin, bao gồm cả những ý kiến trái chiều, thậm chí phải chất vấn trực tiếp để nắm thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới.

Đặc biệt, cần phải có thái độ phê phán nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân có biểu hiện bệnh thành tích, báo cáo thiếu trung thực. Đồng thời tăng cường giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt trong đơn vị có tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Như vậy mới có thể ngăn chặn bệnh thành tích, qua đó xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. (Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG)

Biểu hiện của bệnh thành tích

“Tô hồng” báo cáo là một trong những biểu hiện của bệnh thành tích. Căn bệnh này gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, tuy nhiên, trên thực tế vẫn có cơ quan, đơn vị vì bệnh thành tích mà cố ý báo cáo sai sự thật, che giấu khuyết điểm, khuếch trương ưu điểm, "hợp lý hóa" số liệu để các chỉ tiêu thi đua đạt và vượt kế hoạch... nhằm thể hiện mình trội hơn các cơ quan, đơn vị khác.

Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này, trước hết, cấp trên cần tập trung đổi mới phong cách và lề lối làm việc, tăng cường kiểm tra nắm chắc cơ sở, trực tiếp tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của cán bộ, chiến sĩ; thiết lập kênh thông tin đa chiều, biểu dương và bảo vệ những người nói đúng sự thật.

Bộ đội Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 thu hoạch cá. Ảnh: BÙI HIỆP

Bộ đội Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 thu hoạch cá. Ảnh: BÙI HIỆP

Khi xác định chỉ tiêu thi đua cho đơn vị, nhất thiết phải khảo sát kỹ, nắm chắc tình hình, tính toán sát khả năng thực tế của cơ sở, bảo đảm tính khả thi, đồng thời có biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ để đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện trung bình chủ nghĩa, nể nang, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, bàng quan, thiếu trách nhiệm... (Thượng tá ĐÀM TIẾN DŨNG, Chính ủy Sư đoàn 346, Quân khu 1)

Mang tinh thần “7 dám” vào hội nghị sơ kết, tổng kết

Thực tế cho thấy, nếu báo cáo hay nhưng “tô hồng”, thổi phồng thành tích; không mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, không đánh giá đúng sự thật để chỉ ra khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân; các ý kiến thảo luận lại xuôi chiều, “dĩ hòa vi quý”, không mạnh dạn tự phê bình và phê bình... thì hội nghị sơ kết, tổng kết cũng không có tác dụng.

Để khắc phục tình trạng này, trước hết phải thay đổi cả về tư duy, nhận thức, trách nhiệm và phương pháp tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Cán bộ chủ trì phải quán triệt và thực hiện tinh thần “7 dám” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6 vừa qua.

 Lữ đoàn Pháo binh 16, Quân khu 4 diễn tập bắn đạn thật tại Trường bắn quốc gia khu vực 1. Ảnh: HUY CƯỜNG

Lữ đoàn Pháo binh 16, Quân khu 4 diễn tập bắn đạn thật tại Trường bắn quốc gia khu vực 1. Ảnh: HUY CƯỜNG

Từ đó, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết thực chất, thiết thực, hiệu quả. Chuẩn bị báo cáo trung tâm phải có chiều sâu, phản ánh trung thực, khách quan thực tiễn tình hình đơn vị. Cán bộ chủ trì hội nghị phải định hướng, gợi mở cho cấp dưới mạnh dạn, thẳng thắn phát biểu ý kiến; nêu cao tính chiến đấu, phê bình và tự phê bình với tinh thần xây dựng. Khuyến khích các ý kiến tâm huyết, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân; đồng thời tham mưu, đề xuất, hiến kế những giải pháp hay, mang tính đột phá, sáng tạo.

Đồng thời, người chủ trì hội nghị phải cầu thị, lắng nghe, giải quyết thấu đáo các ý kiến đề xuất. Sau hội nghị phải xây dựng kế hoạch, bổ sung các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để khắc phục hạn chế, yếu kém. (Thượng tá NGUYỄN HUY LONG, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 16, Quân khu 4)

Để có những ý kiến đúng, trúng

Một trong những mục đích, yêu cầu của hội nghị sơ kết, tổng kết là rút ra được bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở đó đề ra nội dung, giải pháp phù hợp, sát đúng nhằm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo. Muốn vậy, phải chống tư tưởng trung bình chủ nghĩa, bệnh thành tích, tình trạng giấu giếm khuyết điểm, không dám nhìn thẳng vào những yếu kém để khắc phục...

Chỉ huy Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 719, Vùng 4 Hải quân kiểm tra công tác chuyên ngành tại đơn vị. Ảnh: QUANG HUY

Chỉ huy Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 719, Vùng 4 Hải quân kiểm tra công tác chuyên ngành tại đơn vị. Ảnh: QUANG HUY

Để nâng cao chất lượng các hội nghị sơ kết, tổng kết, ngoài làm tốt công tác chuẩn bị, xây dựng báo trung tâm ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, có tính chiến đấu cao, chúng tôi còn thường xuyên chỉ định các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng, đơn vị còn để xảy ra khuyết điểm, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát biểu ý kiến. Bởi muốn có ý kiến đúng, trúng thì phải xuất phát từ những tập thể, cá nhân điển hình hoặc còn gặp khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế...

Quá trình điều hành hội nghị, chúng tôi yêu cầu các ý kiến khái quát nhanh thành tích, tập trung phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm làm chưa được để tìm ra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục. Người chỉ huy, chủ trì hội nghị cần có thái độ cầu thị, khơi gợi, hướng dẫn thảo luận tập trung vào những vấn đề còn vướng mắc, tránh nâng cao quan điểm để bộ đội có tâm lý thoải mái khi đóng góp ý kiến. (Thượng tá MAI VĂN BỘ, Chủ nhiệm Chính trị Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 719, Vùng 4 Hải quân)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-nghi-rut-kinh-nghiem-khong-chi-de-bao-cao-thanh-tich-735767