Hội nghị Thượng đỉnh BRICS: Thúc đẩy một trật tự thế giới đa phương mới

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS bắt đầu từ ngày 22/10 tại Kazan có thể trở thành một cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành một trật tự thế giới đa phương mới. Hội nghị quy tụ đại diện của hơn 30 quốc gia, bao gồm các nền kinh tế mạnh: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ đề trọng tâm của Hội nghị là liệu BRICS có mở rộng số lượng thành viên thời gian tới?

Sức hút của BRICS

Nhiều ý kiến cho rằng, BRICS là sự tái sinh của “Phong trào không liên kết” tồn tại trong Chiến tranh Lạnh. Phong trào nổi lên vào năm 1961 và ban đầu được lãnh đạo các nước Nam Tư, Ấn Độ, Ai Cập và Indonesia khởi xướng, sau đó đã phát triển với sự hưởng ứng của khoảng 120 quốc gia đại diện cho các châu lục khác nhau.

Tuy nhiên, phong trào suy yếu dần với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Đại hội cuối cùng của phong trào đã diễn ra cách đây 12 năm, song không thể phủ nhận phong trào khi đó là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của các nước không liên kết và đang phát triển trong quan hệ quốc tế, tham gia tích cực vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình, đấu tranh giải trừ quân bị, chống áp đặt, bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng trật tự thế giới mới.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2024. Ảnh: Izvestia

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2024. Ảnh: Izvestia

Điều đáng chú ý ở BRICS là xu hướng mở rộng với các “tiếp cận cộng đồng”. Đây là một hình thức liên quan đến việc thu hút sự tham gia của các nước láng giềng của nước giữ vai trò chủ tịch BRICS vào các hoạt động của nhóm. Ví dụ như năm ngoái, Nam Phi đã mời lãnh đạo tất cả các nước châu Phi đến dự hội nghị thượng định. Đến lượt Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 tại Nga, có sự tham gia của đại diện các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

BRICS+ là một định dạng mang tính toàn cầu hơn cho phép nhiều quốc gia đối tác tham gia vào các công việc của nhóm. BRICS hiện tập hợp 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Nga, Trung Quốc), 3 cường quốc hạt nhân (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ) và 4 quốc gia nằm trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất hành tinh (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil).

Và nếu nhìn rộng hơn - trong bối cảnh BRICS+ - thì số lượng các nền kinh tế mạnh còn lớn hơn nhiều. Theo thống kê, BRICS hiện đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương), chiếm gần 50% dân số toàn cầu, 49% sản lượng lúa mỳ, 43% sản lượng dầu mỏ toàn cầu và 25% xuất khẩu hàng hóa của thế giới.

Năm nay, 4 quốc gia - Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - đã chính thức trở thành thành viên BRICS. Ả Rập Xê Út cũng đang chờ xác nhận để trở thành thành viên chính thức. Hơn 30 quốc gia khác, bao gồm cả thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, đã nộp đơn xin gia nhập. Mới đây nhất, nước ứng viên Liên minh châu Âu (EU) Serbia cho biết đang khám phá khả năng gia nhập BRICS thay vì EU.

Định hình trật tự thế giới đa phương mới

Trong đời sống cá nhân, việc trở thành thành viên của một "câu lạc bộ" uy tín mang lại một số lợi ích nhất định: là nơi người ta có thể tạo những mối liên hệ hữu ích, trao đổi ý kiến về các vấn đề cùng quan tâm và thậm chí chỉ cần có thời gian giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ những thành viên khác. Nếu bạn đủ may mắn để được nhận vào một câu lạc bộ cấp cao độc quyền, điều đó thậm chí có thể giúp bạn nâng cao địa vị xã hội và nghề nghiệp của mình.

Đây có lẽ là một trong những lợi giải thích dễ hiểu nhất cho lý do tại sao rất nhiều quốc gia Nam Bán cầu đang muốn trở thành thần viên BRICS. BRICS không phải là một liên minh chính trị, cũng không phải là một tổ chức an ninh tập thể, cũng không phải là một dự án hội nhập kinh tế.

Các ứng cử viên trở thành thành viên không cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí đầu vào, trải qua quá trình ứng cử kéo dài hay chứng minh khả năng đạt được các tiêu chuẩn cao của tổ chức. Các thành viên mới có thể được hưởng tất cả các lợi ích của tư cách thành viên đầy đủ và thậm chí góp phần hình thành các nghi thức chung của khối, tạo ra những truyền thống mới và di sản tương lai.

 Cuộc gặp mặt bên lề giữa các lãnh đạo tham gia Hội nghị. Ảnh: Izvestia

Cuộc gặp mặt bên lề giữa các lãnh đạo tham gia Hội nghị. Ảnh: Izvestia

Với tiềm lực chính trị, sức hút kinh tế của BRICS, câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu các thành viên của nhóm, bắt đầu cách đây một thập kỷ rưỡi, có sẵn sàng đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn cho mình? Các nước này có hài lòng với thể thức hiện nay của nhóm hay đang tìm cách biến nhóm thành một cơ chế hợp tác được thể chế hóa và có ảnh hưởng quốc tế lớn hơn?

Tất nhiên, có thể nói rằng chính sự gia tăng về số lượng thành viên BRICS đã làm tăng thêm sự đa dạng cho nhóm, tăng tính hợp pháp và cuối cùng là tăng cường ảnh hưởng quốc tế của tổ chức.

Song theo tiến sĩ Andrei Kortunov, Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), việc gia tăng số lượng thành viên có thể dẫn đến sự chia rẽ gia tăng trong một nhóm thành viên, làm phức tạp đáng kể quá trình ra quyết định và cuối cùng, thậm chí có thể khiến nhiệm vụ đạt được sự đồng thuận về nhiều vấn đề nhạy cảm gần như không thể thực hiện được. Ngoài ra, nếu BRICS vẫn là một câu lạc bộ quốc tế với số lượng thành viên tiềm năng không giới hạn và không ngừng tăng lên thì tổ chức này sẽ dần mất đi tính độc quyền hiện tại và vị thế của một quốc gia thành viên BRICS chắc chắn sẽ suy giảm.

Với những gì đang diễn ra, ít nhất là trong nhiệm kỳ chủ tịch BRICS của Nga năm 2024, chúng ta có thể thấy mục đích rõ ràng là biến nhóm trở thành một cơ chế hợp tác đa phương mang tính toàn cầu, trong đó các thành viên của hiệp hội có thể nghiên cứu các cách tiếp cận, khái niệm, hướng dẫn và mô hình hợp tác đa phương mới, có thể được áp dụng ở cấp độ toàn cầu, trở thành những yếu tố quan trọng của trật tự thế giới trong tương lai.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các hội nghị thượng đỉnh BRICS - không chỉ hội nghị thượng đỉnh này ở Nga mà tất cả các hội nghị tiếp theo - là chuyển dần từ các tuyên bố chính trị chung chung sang các đề xuất cụ thể nhằm mang lại lợi ích cơ bản của các nước đang phát triển, vốn từ lâu đã chưa được thể hiện đúng mức trong quản lý toàn cầu và khu vực.

Cho đến nay, luật chơi cho hệ thống quốc tế về cơ bản vẫn phụ thuộc bởi các tổ chức và diễn đàn do phương Tây lãnh đạo, như IMF, Ngân hàng Thế giới hay G7 và Liên minh châu Âu. Sự độc quyền này chắc chắn đã dẫn đến những căng thẳng nghiêm trọng trong hệ thống quốc tế, làm dấy lên nghi ngờ về tính công bằng và bền vững của trật tự thế giới hiện tại.

BRICS đã thách thức sự độc quyền này của các thể chế phương Tây trong chính trị và kinh tế thế giới: Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS có thể được coi là một sự thay thế khả thi, mặc dù đến nay vẫn còn khiêm tốn.

Quỹ dự trữ dự phòng BRICS cung cấp các dịch vụ mà trước đây chỉ IMF mới có thể cung cấp. Hai tổ chức này cần được bổ sung bởi một nền tảng thanh toán kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại và tài chính giữa các nước thành viên và giảm tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đơn phương từ bên ngoài.

Việc biến BRICS từ một nhóm nhỏ các quốc gia thành viên trở thành một cơ chế hợp tác đa phương có ảnh hưởng toàn cầu sẽ đòi hỏi ý chí chính trị to lớn. Và Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Kazan có thể trở thành một bước quan trọng hướng tới mục tiêu này.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-brics-thuc-day-mot-trat-tu-the-gioi-da-phuong-moi-post318247.html