Hội nghị Trù bị cho Thượng đỉnh Hệ thống lương thực kêu gọi hành động tham vọng hơn
Ngày 26/7, Hội nghị Trù bị cho Thượng đỉnh Hệ thống lương thực đã khai mạc tại Trụ sở Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Roma, Italy bằng hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Hội nghị có sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các chính phủ, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, cá nhân, tổ chức, xã hội dân sự và các hiệp hội nông dân.
Trong 3 ngày, từ 26-28/7, với trên 50 phiên họp, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các kiến nghị, cam kết và đặc biệt là khởi động các giải pháp và hành động mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi và xây dựng một Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Hội nghị trù bị có mục tiêu củng cố những tiến bộ đã đạt được sau gần một năm tham vấn rộng rãi trên toàn cầu dưới nhiều hình thức để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9/2021 bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 tại New York, Mỹ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước thách thức bị chệch hướng và chậm trễ trong việc đạt các mục tiêu SDGs đến 2030.
Nghèo đói, bất bình đẳng trong thu nhập và giá lương thực tăng cao, môi trường bị phá hoại tiếp tục đe dọa quyền tiếp cận lương thực an toàn của khoảng 3 tỷ người dân.
Biến đổi khí hậu, xung đột, và đại dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm thách thức khi số người bị nạn đói đe dọa đã tăng từ 160 triệu trong năm 2019 lên đến hơn 800 triệu năm 2020.
Trong khi đó, hệ thống lương thực hiện nay đang tạo ra 1/3 lượng khí nhà kính và chịu trách nhiệm cho 80% tổn thất về đa dạng sinh học. Do đó thế giới cần đặt ra các mục tiêu có tính tham vọng trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực hướng đến đạt được 17 mục tiêu SDGs.
Với tư cách chủ nhà của Hội nghị Trù bị, Thủ tướng Italy Mario Draghi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong khuôn khổ chương trình nghị sự rộng rãi với tư cách là Chủ tịch G20 và đồng chủ tịch COP-26.
Thủ tướng Mario Draghi cho biết, cùng với các tổ chức của Liên hợp quốc tại Roma (FAO, WFP và IFAD), Italy sẽ tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi nền nông nghiệp, chuỗi giá trị bền vững và lối sống lành mạnh hơn trong nỗ lực toàn cầu về bảo vệ môi trường.
Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc Qu Dongyu cho biết FAO đã và đang hỗ trợ công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh và cam kết sẽ đi đầu trong việc điều phối các hành động tiếp theo.
Với Khung Chiến lược mới cho thập kỷ tới, vừa được thông qua tại Đại hội đồng FAO vào tháng 6/2021, FAO sẽ hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 qua việc chuyển đổi các hệ thống nông sản thực phẩm hiệu quả, toàn diện, linh hoạt và bền vững, hướng tới mục tiêu “4 tốt hơn” (sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, cuộc sống tốt hơn), không bỏ lại ai phía sau và mục tiêu lớn là “Zero Hunger”.
Nhận lời mời của Đặc phái viên Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực - Thực phẩm của Tổng thư ký Liên hợp quốc, chiều nay 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ tham dự và phát biểu khai mạc tại Phiên họp trực tuyến Cấp cao về “Thúc đẩy sáng tạo ở các quốc gia để chuyển đổi các Hệ thống Lương thực thực phẩm”.
Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị Trù bị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Trưởng đoàn Việt Nam, sẽ có phát biểu Tuyên bố Bộ trưởng tại Hội nghị vào ngày 27/7.
Tại Rome, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ, Đại sứ Việt Nam tại Italy và Đại diện Thường trực của Việt Nam tại các tổ chức Liên hợp quốc có trụ sở tại Rome, đã đại diện đoàn Việt Nam tham dự trực tiếp hội nghị.