Hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tác động của dịch Covid-19

ĐBP - Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Do tác động của dịch Covid-19, từ 1/1 – 26/3/2020, cả nước có trên 153.000 người mất việc làm; khoảng 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất; trong quý I, kim ngạch xuất khẩu tăng chậm, kim ngạch nhập khẩu giảm 1,9% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 3 năm trở lại đây; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua…

Tại tỉnh Điện Biên, một số lĩnh vực như: du lịch, thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, ăn uống, lưu trú quý I/2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có xu hướng chững lại trong tháng 2 và giảm ở tháng 3. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2019 tổng lượng khách du lịch giảm 70,4%; tổng thu từ hoạt động du lịch giảm 67,1%; doanh thu hoạt động vận tải giảm 8,55%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng 84,91% so với cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng giảm 2,27% so với 31/12/2019…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách với 4 nội dung, gồm: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhiều giải pháp đã được các Bộ, ngành, địa phương đề xuất như: Thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; giảm giá điện trong thời gian 3 tháng (bắt đầu từ tháng 4) cho các nhóm khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền ước tính khoảng 11 nghìn tỷ đồng; xem xét điều chỉnh giảm thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/1ha lúa, 4 triệu đồng/1ha rau màu, 10 triệu đồng/1 ha thả nuôi thủy sản (tôm và cá tra) cho các hợp tác xã trực tiếp sản xuất nông nghiệp và người dân trong thời gian 3 tháng, từ ngày 1/4/2020; đề nghị bổ sung ngân sách cho đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp; cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả các doanh nghiệp từ 3 – 6 tháng đầu năm 2020, không khống chế tỷ lệ phần trăm lao động phải nghỉ việc; cần kéo dài thêm thời gian giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, đồng thời, đề nghị xem xét, sửa đổi các quy định về Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Các gói hỗ trợ về an sinh xã hội cũng được đưa ra thảo luận như: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng/người; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng; người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 300.000 đồng/khẩu/tháng, thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trước những tác động của dịch bệnh Covid-19, cần có Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19. Với tinh thần vực dậy hoạt động sản xuất trong nước, không để “đổ gục” trước Covid-19 và những khó khăn khác, việc tổ chức hội nghị toàn quốc này thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các cấp, ngành với nhân dân nhằm ổn định đời sống người dân, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tập trung quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm các thành phần yếu thế của xã hội có cuộc sống tối thiểu cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh. Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, chủ động các giải pháp để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững.

Tin, ảnh: Đức Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/177203/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ban-giai-phap-thao-go-kho-khan-truoc-tac-dong-cua-dich-covid-19