Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW

Chiều 14/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 và 3 năm thực hiện Kết luận số 06 ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương ngày càng xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Tính đến ngày 31/7/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 350 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 221 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%.

Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, tính đến ngày 31/7/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt hơn 47.300 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng trên 43 nghìn tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40.

Nguồn vốn cho vay trong 10 năm qua đã tạo điều kiện giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng. Qua đó, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng được trên 13,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng được hơn 193 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách;…

Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016 - 2021 giảm từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều); góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đóng góp tích cực xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại tỉnh Lạng Sơn, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội; bố trí ngân sách tỉnh, huyện để bổ sung nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong 10 năm qua đã có 511.142 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn với tổng số tiền trên 14.000 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2014-2024, cùng với các nguồn lực khác, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 14,9% (năm 2014) xuống còn 6,02% (năm 2023).

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện hoạt động tín dụng chính sách thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị 40.

Đồng chí khẳng định: Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống của Nhân dân nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn.

Đồng chí yêu cầu: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn các chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách xã hội theo Nghị quyết 42 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, đặc biệt là tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị 40 và Kết luận số 06; sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức và hoạt động của NHCSXH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH.

Các bộ, ngành trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm tập trung nguồn lực cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững. Các địa phương cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội.

NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo phân tích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng.

MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, an sinh xã hội cũng như hoạt động tín dụng chính sách...

HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-tong-ket-10-nam-thuc-hien-chi-thi-so-40-ct-tw-5018395.html