Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư khóa IX

Sáng 19/12, Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị 32 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 (ngày 9/12/2003) của Ban Bí thư khóa IX về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân'.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Bùi Quang Cẩm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Nam.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Theo nội dung báo cáo tổng kết, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên. Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được tăng cường, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng giảm.

Năm 2018, có 6.623.670 vụ việc vi phạm bị phát hiện (giảm 21% so với năm 2017). Việc ban hành thể chế, chính sách công tác PBGDPL được hoàn thiện, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ với việc ban hành Luật PBGDPL năm 2012 và các văn bản có liên quan, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PBGDPL.

Nội dung PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Hình thức PBGDPL tiếp tục đổi mới, sáng tạo, như: Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; qua phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong PBGDPL; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; PBGDPL qua hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường; PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; qua câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở…

Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được củng cố, kiện toàn. Đến 1/5/2019, cả nước có 27.401 báo cáo viên pháp luật, 137.844 tuyên truyền viên pháp luật. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm được tổ chức nề nếp, tạo hiệu ứng tích cực, trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, sự lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong xã hội.

Cùng với khẳng định kết quả đạt được, đại biểu dự hội nghị tại các điểm cầu đã trình bày tham luận chỉ ra một số hạn chế, yếu kém qua 15 năm triển khai thực hiện chỉ thị, nhất là hạn chế về nguồn nhân lực, trang thiết bị, việc ứng dụng CNTT, kinh phí phục vụ công tác PBGDPL ở các cấp, ngành chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, người dân chưa chuyển biến rõ nét.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của PBGDPL trong việc nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân, góp phần thiết thực trong giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Luật PBGDPL; thường xuyên rà soát, đánh giá, kịp thời ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định không khả thi hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL, xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý, điều phối, cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ PBGDPL.

Tiếp tục đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa hình thức, cách thức triển khai phù hợp nhu cầu xã hội, nhất là với đối tượng đặc thù, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong PBGDPL, xây dựng mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua trang thông tin điện tử, mạng xã hội facebook, phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phù hợp về ngân sách, tài chính phục vụ công tác PBGDPL; đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL từ tài chính, con người đến kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ,…

Thanh Vân

Thanh Vân

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-tong-ket-15-nam-thuc-hien-chi-thi-32-cua-ban-bi-thu-khoa-ix-19880.html