Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học mới
Sáng 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 theo hình thức trực tuyến tới 64 điểm cầu trên cả nước.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh.
Tại điểm cầu Lào Cai, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời tiếp tục thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo.
Đây là năm học thứ hai ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước….
Trước tình hình đó, ngành giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục - đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19. Toàn ngành hoàn thành mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: Nhiều địa phương thiếu trang - thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trực tuyến. Tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với cấp trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Theo đó, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác tư tưởng, chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành...
Tại hội nghị, đại diện ngành giáo dục các tỉnh, thành: Hà Nội, Lai Châu, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh…, các đơn vị trường đại học đã có những đóng góp ý kiến, đưa ra giải pháp để ngành giáo dục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong năm học mới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Ngành giáo dục đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Đây là năm học vượt khó của ngành do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đối với năm học 2022 - 2023, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục giữ vững định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tiếp thu xu thế của thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ngành giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn dùng; khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề liên quan đến học phí phổ thông, tự chủ trong cơ sở giáo dục...