Hội Người mù TP Thanh Hóa: Mái nhà chung của người khiếm thị
Những năm qua, cán bộ, hội viên Hội Người mù TP Thanh Hóa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng hội, vượt khó vươn lên, duy trì, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên.
Tẩm quất - nghề giúp nhiều hội viên tự nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình.
Xác định dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm là một trong những giải pháp quan trọng giúp hội viên có thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, do đó, cùng việc cử cán bộ, hội viên theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm Giáo dục dạy nghề Hội Người mù tỉnh tổ chức thì Trung tâm dạy nghề cho người mù và người tàn tật của Hội Người mù thành phố đã mở hàng chục lớp học nghề cho hội viên. Trong giai đoạn 2014 - 2018, trung tâm mở được 12 lớp học chữ và học nghề cho 400 lượt hội viên với các nghề như: Làm tăm, đũa tre, chổi đót, mây tre đan, tẩm quất cổ truyền, vi tính văn phòng, trồng rau, hoa, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Anh Trần Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Người mù thành phố cho biết: Đối với hội thì nghề tẩm quất cổ truyền vẫn là nghề mũi nhọn và đã trở thành thương hiệu của người mù thành phố. Nhiều hội viên sau khi được dạy nghề tẩm quất được hội nhận vào làm việc, khi chắc tay nghề, giàu kinh nghiệm, được hội hỗ trợ cho vay vốn đã mạnh dạn thuê cơ sở làm nghề. Ví như anh Lê Thanh Giai ở phường Đông Cương trước đây không có việc làm, vợ bán hàng bữa được bữa không lại nuôi 3 con nhỏ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Được vận động vào hội năm 1995, anh Giai tham gia nhóm làm tăm tre, sau đó học thêm nghề tẩm quất cổ truyền rồi làm nghề tại cơ sở của hội. Đến năm 2002, anh được hội cho vay vốn để thành lập cơ sở riêng và cung cấp thêm thợ có tay nghề hỗ trợ anh thời gian đầu. Hiện cơ sở dịch vụ tẩm quất của anh Giai ở phố Đinh Công Tráng, phường Ba Đình không chỉ tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình mà tạo việc làm cho 2-3 người mù khác. Hay như chị Lê Thị Nhâm ở xã Hoằng Anh được hội tạo điều kiện về cơ chế, đã đầu tư mở cơ sở tẩm quất tại 362 Dương Đình Nghệ, phường Đông Thọ; chị Nguyễn Thị Hải mở cơ sở làm dịch vụ tại số 18 Phan Bội Châu, phường Tân Sơn... tạo việc làm cho nhiều lao động cùng cảnh ngộ với thu nhập từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng, có hội viên có mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh nghề mũi nhọn, hội phát triển nghề làm tăm, mây tre đan, chổi đót... tạo việc làm, thu nhập cho hội viên bằng chính sức lao động của mình, giúp cuộc sống của nhiều người khiếm thị và gia đình người khiếm thị có những thay đổi rõ rệt, họ không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn có phần tích lũy phòng lúc ốm đau và giúp đỡ gia đình. Hiện các cơ sở dịch vụ do hội quản lý tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 55 đến 60 lao động là người mù và người tàn tật khác với thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, hội mở rộng liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm với các hội bạn trong tỉnh và một số thành hội, tỉnh hội trong cả nước, giúp tiêu thụ sản phẩm được nhiều hơn.
Song song với dạy nghề, giải quyết việc làm, Hội Người mù thành phố đã sử dụng nguồn vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để quay vòng cho hội viên vay phát triển kinh tế. Từ số vốn trong giai đoạn 2014 – 2019 là 1 tỷ 470 triệu đồng, với 13 dự án cho 110 hội viên vay đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động khiếm thị. Từ nguồn vốn vay, nhiều gia đình hội viên đã phát huy có hiệu quả trong sản xuất, dịch vụ với các mô hình như: Nuôi bò sinh sản, lợn thịt, ngan, gà, vịt, trồng rau, trồng hoa, kinh doanh buôn bán nhỏ... giúp họ từng bước thoát nghèo, vươn lên ở mức khá giả, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, làm nhà kiên cố và có điều kiện lo cho con cái ăn học. Tiêu biểu là gia đình các anh: Nguyễn Văn Tiếp, Lê Duy Hiền ở phường Quảng Tâm; gia đình các chị Chu Thị Truyền, Chu Thị Xuyên ở phường Quảng Đông; chị Đỗ Thị Thúy, anh Lê Thanh Huân ở phường Đông Cương...
Với mục tiêu “Vì hạnh phúc người mù”, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND thành phố, vốn tích lũy từ sản xuất, dịch vụ và các nguồn huy động hợp pháp khác, Hội Người mù thành phố có điều kiện chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Hằng năm hội đều tổ chức khảo sát, điều tra tình hình đời sống hội viên và người mù để kịp thời chăm sóc, giúp đỡ. Bên cạnh đó, hội phối hợp với UBND và ban chính sách các phường, xã trên địa bàn thành phố tổ chức thăm, tặng quà cho hội viên và cả đối tượng là người mù trên địa bàn nhân dịp tết cổ truyền, mùa giáp hạt; thăm hỏi, tặng quà hội viên lúc khó khăn, đau ốm. Qua việc tặng quà đã động viên hội viên và người mù tự tin vươn lên trong cuộc sống, thể hiện tình cảm gắn bó với hội.
Cũng theo ông Cường, dù còn nhiều khó khăn về kinh phí nhưng để chăm sóc người lao động làm việc trực tiếp tại hội được tốt hơn, hội đã duy trì bếp ăn tập thể và hỗ trợ 1 bữa ăn. Ngoài ra, hội còn phối hợp với công đoàn tổ chức cho hội viên đi tham quan, du lịch nhằm khích lệ, động viên hội viên cũng như tạo sự hòa nhập, giao lưu, mở mang kiến thức hiểu biết xã hội...
Từ kết quả sản xuất, dịch vụ, vay vốn giải quyết việc làm và chăm sóc đời sống hội viên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35,1% năm 2014 xuống còn 25,1% năm 2018. Sự phát triển ngày càng lớn mạnh về mọi mặt của Hội Người mù TP Thanh Hóa đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, vị trí của hội ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội. Người khiếm thị từ chỗ sống tự ti, khép mình trong gia đình, tham gia vào mái nhà chung đã có niềm tin, lạc quan, xóa bỏ mặc cảm tật nguyền, chủ động vượt khó vươn lên hòa nhập cuộc sống.