Hội nhập quốc tế - nguồn lực quan trọng, đột phá phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh

Chiều ngày 24/3, TP Quảng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Ngoại giao làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham gia tiếp đoàn có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.

Về phía Bộ Ngoại giao có Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bổ nhiệm năm 2022 và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Ngoại giao.

Nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển

Tại buổi làm việc, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quảng Ninh có vị trí chiến lược, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Là địa phương đặc thù, có đường biên giới cả trên đất liền và trên biển, nguồn lợi than lớn nhất khu vực Đông Nam Á, di sản Vịnh Hạ Long và Trường phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trong bối cảnh dịch bệnh và khó khăn của tình hình thế giới, Quảng Ninh là một trong những điểm sáng về sự chủ động trong thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022; trong đó năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28%), lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới.

Tỉnh không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đứng đầu cả nước 5 năm liên tiếp (2017-2021). Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,6 tỷ USD, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,15 tỷ USD. Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh có số lượng và quy mô khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước với 377 nghìn ha.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong vùng Đồng bằng Sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023). Theo đó, đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước... Đến năm 2045, Quảng Ninh là tinh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn tầm khu vực và quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chúc mừng các thành tựu của Bộ Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chúc mừng các thành tựu của Bộ Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chúc mừng các thành tựu của Bộ Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, thời gian qua, hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại là nguồn lực quan trọng, có thời điểm là đột phá trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh, góp phần giúp Quảng Ninh giữ vững được đà tăng trưởng kinh tế.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục xác định đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phục vụ hội nhập quốc tế, chủ động đưa công tác ngoại giao kinh tế thu hút các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tỉnh mong muốn, Bộ Ngoại giao quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Quảng Ninh phát triển quan hệ hợp tác với các địa phương của Trung Quốc, nhất là hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác song phương giữa Quảng Ninh với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; hỗ trợ địa phương trong trao đổi đoàn.

Trong công tác biên giới lãnh thổ, tỉnh mong muốn Bộ hỗ trợ giải quyết các vấn đề về biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh theo 3 văn kiện pháp lý; công bố cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung, Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa...

Bộ sẽ cung cấp thông tin về các chính sách mới của các nước trong phát triển kinh tế, thương mại, xuất nhập cảnh, quản lý lao động biên giới… Đặc biệt là trong mở đường xuất khẩu rau, củ quả chính ngạch từ miền Tây (qua Cần Thơ) đến Vân Đồn, qua Móng Cái sang Quảng Tây (Trung Quốc).

Tỉnh cũng mong muốn Bộ hỗ trợ Quảng Ninh trong việc mở rộng phát triển hợp tác với các đối tác mới tiềm năng, các địa phương có thể mạnh khu vực ASEAN, một số đối tác có tiềm năng khu vực châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông, Đông Bắc Á...; Hỗ trợ kết nối mở đường bay tới sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh);

Hỗ trợ Quảng Ninh quảng bá hình ảnh đất nước, con người đến các địa bàn mới như: Châu Phi, Nam Mỹ, Khu vực Trung Đông…; Giới thiệu cung cấp thông tin về các đối tác có khả năng đầu tư, mở rộng hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp sạch, logistics…; Giúp Quảng Ninh trong việc hoàn thiện hồ sơ Đề án Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Với đối tác truyền thống Nhật Bản, tỉnh mong muốn Bộ và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hỗ trợ thúc đẩy hợp tác với tỉnh Hokkaido và Shiga (Nhật Bản), trước mắt về công tác tổ chức tốt lễ hội Hokkaido 2023 tại Quảng Ninh.

Bộ Ngoại giao tiếp tục đồng hành với Quảng Ninh

Cũng tại Hội nghị, các vị Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phát biểu trao đổi các biện pháp nhằm phối hợp với tỉnh, các đơn vị trong tỉnh về quản lý biên giới, mở rộng giao lưu nhân dân vùng biên, phát triển kinh tế biên mậu, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tìm kiếm đối tác… qua đó hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chúc mừng các thành tựu kinh tế - xã hội mà Quảng Ninh đã đạt được, đặc biệt là những bước phát triển vững chắc trong phát triển kinh tế; công tác đối ngoại, đặc biệt là công tác quản lý biên giới lãnh thổ, được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Bộ trưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung cuộc làm việc, rất chuyên nghiệp, có trọng tâm trọng điểm, đóng góp vào cả ba nhiệm vụ: tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín đất nước, của tỉnh.

Qua đó, góp phần tăng cường hợp tác với các đối tác nói chung, với nước láng giềng nói riêng, tranh thủ các nguồn lực về phát triển tỉnh và nâng cao uy tín Quảng Ninh trên trường quốc tế.

Bộ trưởng cũng cho rằng, thông qua phát biểu của tỉnh và trao đổi của các đơn vị hai bên, đại diện một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nội dung trao đổi giữa hai bên là hiệu quả, trên cơ sở cơ chế phối hợp giữa hai bên rất nhịp nhàng trong thời gian qua.

Trên cơ sở định hướng phát triển của tỉnh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn Quảng Ninh tiếp tục triển khai các mặt đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân, vừa đảm bảo lợi ích của ta, vừa tăng cường thu hút các nguồn lực về phát triển trong tỉnh.

Quảng Ninh tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa đối ngoại địa phương với các địa phương nước láng giềng trên cơ sở Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Ngoại giao sẽ đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện quy hoạch này.

Trong thời gian tới, trên cơ sở động lực phát triển của Quảng Ninh là dịch vụ, công nghiệp sáng tạo, công nghệ xanh,… Bộ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ và trưởng cơ quan đại diện cần nắm chắc, tìm kiếm các đối tác hỗ trợ Quảng Ninh.

Bộ trưởng đồng tình với các đề xuất của tỉnh, mong muốn các đơn vị quan tâm hỗ trợ tỉnh, thúc đẩy quan hệ với Quảng Tây, Trung Quốc, trong đó tăng cường quan hệ chính trị, giao lưu nhân dân và đồng thời phối hợp để đón Bí thư Quảng Tây thăm Việt Nam.

Quảng Ninh cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên đất liền, trên biển, mở ra thời kỳ phát triển mới về kinh tế đường biên, mở/nâng cấp/công nhận cửa khẩu; Phối hợp với địa phương để đa dạng hóa, đa phương hóa với các nước, nhất là năm nay là năm kỷ niệm quan hệ năm tròn với Nhật Bản, với Trung Quốc, khu vực châu Âu…

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Về công tác ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng cho rằng Quảng Ninh cần khai thông công tác mậu biên, bởi đây là nơi tiêu thụ hàng hóa và thông thương sang khu vực Trung Á… Các quy hoạch cửa khẩu, nâng cấp cửa khẩu, Bộ trưởng đề nghị tỉnh hợp tác với Ủy ban Biên giới quốc gia, tận dụng các sự kiện về đối ngoại để tổ chức hoạt động xúc tiến, mở rộng quan hệ với các đối tác.

Về ngoại giao văn hóa là thế mạnh của Quảng Ninh, Bộ trưởng đề nghị tỉnh kiên định với chiến lược phát triển bền vững Di sản Vịnh Hạ Long, Bộ sẽ đồng hành cùng tỉnh trong việc hoàn thiện hồ sơ Đề án Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, ngành Ngoại giao xác định phương châm tiên phong, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trung tâm. Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị của Bộ chủ động trao đổi, nắm bắt các đề nghị, yêu cầu của Quảng Ninh để đáp ứng tối đa các ý kiến của tỉnh trong kêu gọi các nguồn lực bên ngoài, phục vụ phát triển của tỉnh nhà.

Trên cơ sở cơ chế làm việc đã có giữa Bộ Ngoại giao-Quảng Ninh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các đơn vị hai bên tiếp tục hoàn thiện các ý kiến đề ra ngày hôm nay, các đơn vị trong Bộ và cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hoạt động đối ngoại của lãnh đạo tỉnh nhằm tăng cường giao lưu với các địa phương bạn, qua đó tăng cường kết nối thu hút đầu tư, mở rộng thị trường cho tỉnh.

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nhap-quoc-te-nguon-luc-quan-trong-dot-pha-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-quang-ninh-220956.html