Hội Nông dân Quảng Trị đồng hành với sự phát triển của quê hương

Với truyền thống cách mạng kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh; cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, nông dân Quảng Trị luôn đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau cùng vươn lên trong mọi khó khăn. Truyền thống của nông dân Quảng Trị gắn liền với truyền thống lịch sử của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời gắn liền với lịch sử đấu tranh và phát triển, dựng xây của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.

* TRẦN VĂN BẾN, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị

Tháng 11/1930, trong phiên họp đầu tiên tại Tân Tường (Cam Lộ), Tỉnh ủy Quảng Trị đã đề ra chủ trương xây dựng các tổ chức quần chúng: Công Hội đỏ, Nông Hội đỏ... và tổ chức Hội Nông dân Quảng Trị chính thức được thành lập. Qua các thời kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, hội luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giáo dục và tổ chức nông dân tham gia các phong trào hành động cách mạng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền 1930-1945, hội đã tuyên truyền giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng. Hàng ngàn nông dân đã được tập hợp trong tổ chức hội và hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh kháng thuế, phá kho thóc chia cho nông dân, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, tiến đến đấu tranh đòi các quyền lợi về chính trị… Ngày 23/8/1945, đông đảo nông dân cùng Nhân dân khắp nơi trong tỉnh đồng loạt đứng lên giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các tầng lớp nông dân Quảng Trị tập hợp đông đảo trong tổ chức Hội Nông dân phản đế, hưởng ứng các phong trào thi đua tăng gia sản xuất, sào ruộng nuôi quân, dân công hỏa tuyến, giết giặc lập công và thực hiện 6 cuộc vận động lớn: Tăng gia sản xuất tự cấp tự túc; nuôi dưỡng bộ đội; xây dựng tập đoàn sản xuất và tổ đổi công nông nghiệp; hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức; đào tạo cán bộ và thanh toán nạn mù chữ… Nông dân cùng với Nhân dân xây dựng các vùng Cùa, Ba Lòng, Thủy Ba thành khu căn cứ địa vững chắc; cùng thắt lưng, buộc bụng, đóng góp từng lon gạo, hạt muối cho cán bộ, bộ đội. Hàng ngàn nông dân lên đường đi dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ các chiến dịch Trung, Hạ Lào, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, đất nước bị chia thành hai miền. Thấm sâu nỗi đau chia cắt, nông dân Quảng Trị cùng cả nước bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nông dân vùng Nam sông Bến Hải anh dũng trong thế trận “ba mũi giáp công”, hăng hái hưởng ứng các phong trào “Thi đua sản xuất”, “góp gạo nuôi quân” và tự nguyện gia nhập Hội Nông dân Giải phóng ngày càng đông. Ở khu vực Vĩnh Linh, Hội Nông dân được thay thế bởi Ban Công tác nông thôn, nông dân sinh hoạt trong các HTX. Nông dân vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy, hăng hái thi đua lao động sản xuất, ngày đêm “tay cày, tay súng” với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, chi viện hết lòng cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.

 Gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh: H.N.K

Gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh: H.N.K

Dưới ngôi nhà chung thời kỳ Bình Trị Thiên hợp nhất, nông dân Quảng Trị cùng đoàn kết hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào “tấc đất, tấc vàng”, “Cải tiến quản lý HTX nông nghiệp”, ngày đêm tích cực khai hoang phục hóa, làm thủy lợi, rà phá bom mìn, ra sức khôi phục, phát triển kinh tế và khắc phục hậu quả chiến tranh; cùng thi đua thâm canh tăng năng suất, đổi mới cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa và thực hiện định canh, định cư ở miền núi.

Từ năm 1989 đến nay, trên hành trình hơn 30 năm cùng xây dựng và phát triển quê hương Quảng Trị, các cấp Hội Nông dân thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên. Các hoạt động và phong trào của hội từng bước đi vào cuộc sống, được đông đảo hội viên nông dân nhiệt tình hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực trong phát triển nông nghiệp và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng đi vào chiều sâu.

Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức linh hoạt, giải pháp thiết thực hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay qua các ngân hàng, quỹ hỗ trợ nông dân, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình sản xuất hữu cơ, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm…Cùng với đó, hội tích cực vận động nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nhau giống, vốn, ngày công, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cùng xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả. Từ phong trào nhiều nông dân đã đầu tư làm giàu bằng chính sức lao động, sự nỗ lực, quyết tâm của mình và xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân vượt khó thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có 28.679 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm trên 30% số hộ nông dân. Số hộ nghèo do nông dân làm chủ hộ giảm qua từng năm, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 6,43%.

Tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp hội đã vận động nông dân hiến đất, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hội viên nông dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến 23.000 m2 đất, đóng góp 57,789 tỉ đồng, 832.443 ngày công; làm mới và sửa chữa 3.714 km đường giao thông; nạo vét, nâng cấp 215 km kênh mương nội đồng. Phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện” vì nông thôn mới lan tỏa sâu rộng trong nông dân qua các hoạt động diệt cây mai dương, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp…thu hút đông đảo nông dân tham gia. Các mô hình nông dân bảo vệ môi trường, nông dân với đoạn sông, đoạn đường, tuyến phố tự quản, chi hội nông dân không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội, CLB “Nông dân với pháp luật”… ngày càng nhân rộng, phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng đô thị văn minh và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các cấp hội chú trọng tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo đại hội đảng các cấp, các dự thảo văn bản pháp luật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội về những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nông dân. Hằng năm, bồi dưỡng, giới thiệu cho cấp ủy các cấp xem xét kết nạp cán bộ, hội viên nông dân ưu tú vào Đảng. Toàn hội hiện có 7.997 hội viên là đảng viên, chiếm tỉ lệ 8,4%. Từ tỉnh đến cơ sở tham gia tích cực với các cấp chính quyền trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. Vận động hội viên nông dân tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền các cấp vững mạnh và phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân.

Trên chặng đường 90 năm, Hội Nông dân tỉnh đã trải qua 11 kỳ đại hội. Đội ngũ cán bộ hội ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu công tác vận động nông dân trong từng thời kỳ, có 52 cán bộ Hội Nông dân các cấp đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tổ chức hội không ngừng được củng cố, phát triển. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tập hợp 95.485 hội viên, sinh hoạt ở 803 chi hội của 125 cơ sở hội. Với những thành tích và sự đóng góp đó, các cấp hội và hội viên nông dân Quảng Trị đã được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý: Hội Nông dân tỉnh được Ủy ban MTDTGPMN Việt Nam tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất (năm 1968), Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2016). Hội Nông dân huyện Hải Lăng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; Hội Nông dân Triệu Phong, Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và 8 cán bộ hội được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 7 hội viên nông dân tiêu biểu được tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; 11 cán bộ, hội viên nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân và cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết vượt qua khó khăn, tập trung củng cố phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có đủ trình độ năng lực, có tâm huyết với phong trào nông dân, biết chăm lo và bảo vệcho nhữngquyền lợi chính đáng và hợp pháp của nông dân; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gắn với nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phát huy vai trò chủ thể của nông dân và vai trò nòng cốt của hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống, xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152268