Hồi sinh vị thế tiên phong chinh phục vũ trụ

Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos mới đây vừa công bố kế hoạch vốn được chờ đợi từ lâu để phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng Luna-25 vào ngày 11.8 tới, đánh dấu sự trở lại hành tinh này của Nga sau gần 50 năm gián đoạn. Sứ mệnh trên thể hiện quyết tâm của xứ sở Bạch Dương trong việc khơi dậy di sản thám hiểm vũ trụ, đồng thời củng cố vị thế là cường quốc không gian, bất chấp việc phải đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị quan trọng.

Mang tính biểu tượng trên nhiều mặt

Luna-25, tàu vũ trụ robot bốn chân nặng khoảng 800kg, là thành phần quan trọng trong dự án Mặt Trăng đầy tham vọng của Moscow. Các mục tiêu chính của nó bao gồm hạ cánh mềm trên bề mặt Mặt Trăng, thu thập, phân tích các mẫu đất, tìm hiểu cấu trúc bên trong của Mặt Trăng, thăm dò các nguồn tài nguyên, bao gồm cả nước và tiến hành nghiên cứu khoa học toàn diện trong dài hạn. Nhiệm vụ tập trung vào cực Nam của Mặt Trăng khiến nó khác biệt với các cuộc đổ bộ trước đó của con người, vốn chủ yếu diễn ra gần xích đạo Mặt Trăng, từ đó có khả năng mở ra những hiểu biết có giá trị về khu vực chưa được khám phá này.

Dự kiến, Luna-25 có khả năng đến Mặt Trăng 5 ngày sau khi được phóng và sẽ hoạt động ít nhất 1 năm. Trước vụ phóng hôm 11.8, chính quyền địa phương cho biết người dân sẽ được sơ tán khỏi làng Shakhtinsky ở vùng viễn Đông Khabarovsk, nơi các tên lửa đẩy dự kiến sẽ rơi xuống.

Bước đột phá của Nga trong hành trình thám hiểm Mặt Trăng mang tính biểu tượng trên nhiều mặt. Nó gợi nhớ lại những ngày đầu tiên của Liên Xô trong việc khám phá không gian. Lúc đó Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý như phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên Sputnik vào năm 1957, và phi hành gia Yuri Gagarin của Liên Xô được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ vào ngày 12.4.1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông 1. Sự kiện vĩ đại này đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử nhân loại. Sau đó, bà Valentina Vladimirovna Tereshkova trở thành nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên bay vào vũ trụ, trong chuyến bay Chayka trên tàu Vostok 6 vào ngày 16.6.1963.

Phát biểu tại sân bay vũ trụ Vostochny năm ngoái, Tổng thống Nga Putin cho biết, Liên Xô từng đưa được người đầu tiên vào vũ trụ vào năm 1961 bất chấp nhiều khó khăn; do đó, người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định, Moscow sẽ tiếp tục phát triển chương trình Mặt Trăng tương tự, bất chấp các biện pháp trừng phạt hiện tại của phương Tây. Ông nhấn mạnh đến tinh thần quyết tâm và đổi mới đặc trưng cho những nỗ lực trước đó của ngành vũ trụ Nga, đồng thời khẳng định cam kết của Nga sẽ thúc đẩy bất chấp những thách thức và trở ngại bên ngoài.

Thực tế, bối cảnh địa chính trị hiện tại đã phủ bóng đen lên sự hợp tác quốc tế trong khám phá không gian của thế giới. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã rút lại hợp tác với Moscow trong sứ mệnh Luna-25 và các nỗ lực trên Mặt Trăng khác trong tương lai. Bất chấp điều đó, Nga vẫn kiên quyết thực hiện cam kết phát triển sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng, thay thế thiết bị ESA bằng các thiết bị khoa học được phát triển trong nước.

Việc sắp phóng Luna-25 cũng làm nổi bật mối quan hệ đối tác đang phát triển của Nga với Trung Quốc trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Khi mối quan hệ với phương Tây trở nên căng thẳng, Tổng thống Putin tìm cách tăng cường hợp tác với đất nước gấu trúc, cường quốc không gian đang lên với khát vọng lên Mặt Trăng đầy tham vọng. Nỗ lực hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh có khả năng định hình lại cuộc đua không gian toàn cầu và mở đường cho những tiến bộ đáng kể trong việc khám phá mặt trăng.

Nhiều thách thức và cạnh tranh

Tuy nhiên, hành trình trở lại Mặt Trăng của Nga không phải là không có thách thức. Bản chất rủi ro cao của sứ mệnh, đặc trưng bởi việc hạ cánh mềm xuống cực Nam của Mặt Trăng, nhấn mạnh tính phức tạp và khó đoán của hành trình khám phá không gian. Theo người đứng đầu Roscosmos - ông Yuri Borisov, tỷ lệ thành công của các nhiệm vụ như vậy được ước tính vào khoảng 70%, cho thấy nhiều khó khăn vẫn còn đang ở phía trước.

Trong hành trình khám phá Mặt Trăng, Nga cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh không nhỏ từ nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn, Ấn Độ gần đây đã phóng tàu thăm dò Chandrayaan-3, với mục tiêu hạ cánh mềm xuống cực Nam của Mặt Trăng. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới đạt được kỳ tích này, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô (cũ). Trung Quốc, với ba lần hạ cánh thành công trên Mặt Trăng và có kế hoạch đưa phi hành gia lên hành tinh này vào năm 2030, cũng đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu. Những thành tựu của Trung Quốc, bao gồm cả việc thu hồi thành công các mẫu vật từ Mặt Trăng, nêu bật năng lực công nghệ và quyết tâm khẳng định là quốc gia thám hiểm không gian hàng đầu của Trung Quốc.

Trong cuộc đua khám phá Mặt Trăng phức tạp này, chương trình Artemis của NASA nổi lên như ngọn hải đăng của sự hợp tác và đổi mới. Nằm dưới sự hỗ trợ của một tập đoàn quốc tế gồm các cơ quan vũ trụ và công ty tư nhân, mục tiêu của chương trình là đưa con người trở lại Mặt Trăng và thiết lập sự hiện diện bền vững trên hành tinh này. Sự tham gia của các công ty tư nhân như Intuitive Machines và Astrobotic báo hiệu sự thay đổi mô hình trong khám phá không gian, mở đường cho những người chơi thương mại ghi dấu ấn của mình trên bề mặt Mặt Trăng.

Dẫu vậy, việc Nga sắp phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng Luna-25 vẫn đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình khám phá không gian của mình. Với lịch sử thành tựu phong phú, Nga tìm cách lấy lại vị thế là cường quốc không gian đáng gờm và đóng góp vào sự hiểu biết của nhân loại về những bí ẩn của Mặt Trăng. Trong khi đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị và cạnh tranh gay gắt, quyết tâm và tham vọng của Nga vẫn không hề nao núng, tạo tiền đề cho kỷ nguyên mới về khám phá Mặt Trăng và hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hoi-sinh-vi-the-tien-phong-chinh-phuc-vu-tru-i339492/