Hội thảo Biển Đông lần thứ 16: ASEAN không nên né tránh khó khăn và những bài học từ Biển Đỏ

Ngày 23/10, ngày làm việc đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 'Định hướng tư duy, Phát huy chuẩn mực' đã diễn ra tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Phiên I của Hội thảo có chủ đề Hướng tới trật tự đa cực: “Hòa bình nóng”, “Chiến tranh lạnh” hay “Cùng tồn tại Hòa bình”? diễn ra sôi nổi với các chuyên gia, học giả đến từ Trung Quốc, Mỹ và Indonesia. (Ảnh: PH)

Phiên I của Hội thảo có chủ đề Hướng tới trật tự đa cực: “Hòa bình nóng”, “Chiến tranh lạnh” hay “Cùng tồn tại Hòa bình”? diễn ra sôi nổi với các chuyên gia, học giả đến từ Trung Quốc, Mỹ và Indonesia. (Ảnh: PH)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và 4 quan chức cao cấp của Indonesia, Australia, Anh và EU đã có các phát biểu dẫn đề quan trọng định hướng thảo luận cho Hội thảo. Ngoài 3 phiên thảo luận chính, ngày đầu tiên đã diễn ra một phiên đặc biệt nói lên tiếng nói của thế hệ trẻ quốc tế.

Trong các phát biểu Phiên dẫn đề, ông Sidharto Reza Suryodipuro, Tổng Vụ trưởng Hợp tác ASEAN, Bộ Ngoại giao Indonesia, Trưởng SOM ASEAN Indonesia khẳng định Biển Đông là ưu tiên hàng đầu của Indonesia; nhấn mạnh vai trò trung tâm và quan trọng của ASEAN sẽ đảm bảo cho Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Các diễn giả trình bày tham luận liên quan đến nhiều khía cạnh trong hợp tác giải quyết xung đột tại Biển Đông. (Ảnh: PH)

Các diễn giả trình bày tham luận liên quan đến nhiều khía cạnh trong hợp tác giải quyết xung đột tại Biển Đông. (Ảnh: PH)

Nghị sĩ Tim Watts, đồng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia khẳng định, Australia ủng hộ một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, tuân thủ luật pháp quốc tế và đảm bảo các tuyến hàng hải tự do, không bị ngăn trở; mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác, mở rộng hợp tác biển, bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường biển trong khu vực.

Bà Catherine West, Quốc vụ khanh phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh, khẳng định lập trường của Anh là duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và an toàn, mong muốn hơp tác với các đối tác trong các lĩnh vực biển.

Ông Niclas Kvarnström, Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS) khẳng định, ASEAN là trọng tâm trong cách tiếp cận với khu vực, mong muốn tăng cường hợp tác song phương với các quốc gia thành viên ASEAN như Philippines, Việt Nam.

Phiên II có chủ đề: "Vai trò trung tâm của ASEAN trong thách thức: Tích cực chủ động hay ẩn mình chờ thời?". (Ảnh: PH)

Phiên II có chủ đề: "Vai trò trung tâm của ASEAN trong thách thức: Tích cực chủ động hay ẩn mình chờ thời?". (Ảnh: PH)

Đánh giá tình hình và cục diện thế giới, khu vực, nhiều ý kiến cho rằng, trong môi trường chiến lược hiện nay, trật tự thế giới không còn tồn tại hình thái đa cực thực sự như trước Thế chiến thứ Hai.

Xu hướng cùng tồn tại hòa bình và trật tự quốc tế đang gặp nhiều thách thức. Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với các nguy cơ quân sự hóa tại khu vực và hành vi đơn phương đặt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.

Bên cạnh những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhiều thách thức mới nảy sinh, trong đó có xu hướng tác chiến ngầm dưới biển, sử dụng các cơ sở hạ tầng dưới nước trong các hoạt động quân sự hoặc phi quân sự, làm gia tăng các nguy cơ đe dọa tự do, an toàn, an ninh hàng hải.

Phiên III sôi nổi với chủ đề: "An toàn và tự do hàng hải từ Biển Đỏ tới Biển Đông: Trách nhiệm thuộc về ai?". (Ảnh: PH)

Phiên III sôi nổi với chủ đề: "An toàn và tự do hàng hải từ Biển Đỏ tới Biển Đông: Trách nhiệm thuộc về ai?". (Ảnh: PH)

Đánh giá về ASEAN, nhiều ý kiến cho rằng, dù ASEAN đang gặp nhiều thách thức, song tổ chức này không nên né tránh khó khăn mà cần mạnh mẽ khẳng định vai trò, đóng góp cho hòa bình, ổn định, giúp các bên cùng tồn tại hòa bình.

Nhiều ý kiến kêu gọi ASEAN phát huy hơn nữa tinh thần Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) để kiểm soát xung đột khu vực. Một số ý kiến kêu gọi làm sống lại tinh thần Bandung, tìm công thức để các bên cạnh tranh cùng tồn tại hòa bình, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hội nghị Bandung năm 2025.

Đa số nhấn mạnh ASEAN cần duy trì tính “trung tâm” và đoàn kết, đồng thời phát huy ngoại giao đa phương và dựa trên luật pháp quốc tế, thông qua việc đổi mới cách tiếp cận, điều chỉnh chính sách phù hợp, cải thiện các cơ chế và tăng cường, đa dạng hóa các đối tác quốc tế.

Các đại biểu tích cực tham gia thảo luận, đặt câu hỏi với các diễn giả tại Hội thảo. (Ảnh: PH)

Các đại biểu tích cực tham gia thảo luận, đặt câu hỏi với các diễn giả tại Hội thảo. (Ảnh: PH)

Các học giả đã thảo luận các thách thức chung với an toàn và tự do hàng hải quốc tế, nhấn mạnh Biển Đỏ và Biển Đông có nhiều điểm tương đồng. Nhiều bài học, kinh nghiệp đã được chia sẻ, bao gồm cả việc phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế như IMO (Tổ chức hàng hải quốc tế).

Học giả Israel cho biết, 10 năm trước, không ai nghĩ các chủ thể phi nhà nước có thể làm thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông như hiện nay, cho rằng đó là bài học mà khu vực Đông Nam Á không nên coi nhẹ.

Phiên thảo luận đặc biệt về "Thế hệ trẻ và an ninh biển". (Ảnh: PH)

Phiên thảo luận đặc biệt về "Thế hệ trẻ và an ninh biển". (Ảnh: PH)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-thao-bien-dong-lan-thu-16-asean-khong-nen-ne-tranh-kho-khan-va-nhung-bai-hoc-tu-bien-do-291101.html