Hội thảo đánh giá giữa kỳ dự án 8 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Bình Phước

Sáng 28-8, tại tỉnh Bình Phước, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá giữa kỳ dự án 8 và lồng ghép giới trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hương và Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái Thanh chủ trì hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Tại tỉnh Bình Phước, dự án được triển khai tại 46 thôn, ấp đặc biệt khó khăn thuộc 20 xã dân tộc và miền núi. Từ khi triển khai thực hiện dự án đến nay, Bình Phước đã thành lập 46 tổ truyền thông cộng đồng, 6 mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, 3 câu lạc bộ “Thủ lĩnh sự thay đổi”; 3 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hơp tác xã do phụ nữ làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0; hỗ trợ phụ nữ cấp xã tổ chức 19 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, ấp cho cán bộ xã, thôn, ấp. Bên cạnh đó, các cấp hội đã phối hợp triển khai tổ chức tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, ấp, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng; các phiên tòa giả định; tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh…

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Dự án do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ n và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Qua gần 3 năm thực hiện dự án đã góp phần làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Đại biểu các sở, ban, ngành, địa phương phát biểu thảo luận và đề xuất giải pháp để dự án hoạt động ngày càng hiệu quả

Đại biểu các sở, ban, ngành, địa phương phát biểu thảo luận và đề xuất giải pháp để dự án hoạt động ngày càng hiệu quả

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Đối tượng và địa bàn triển khai thực hiện còn rất hạn chế nên nhiều nội dung khó thực hiện do vướng quy định về địa bàn thụ hưởng. Trong khi đó, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Hội thảo đã nhận được 16 ý kiến phát biểu thảo luận về những thuận lợi, khó khăn hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để triển khai các nội dung dự án trong thời gian tới được hiệu quả hơn.

Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hương ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo

Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hương ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hương đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu cũng như sự thành công buổi hội thảo. Đồng thời ghi nhận, tổng hợp các ý kiến để điều chỉnh bổ sung hợp lý sao cho dự án sát với thực thế và hiệu quả nhất.

Văn Đoàn - Như Nam

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/147935/hoi-thao-danh-gia-giua-ky-du-an-8-cua-hoi-phu-nu-tinh