Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều 1/6, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025.
Đến dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các sở, ngành thuộc 52 tỉnh triển khai Chương trình MTQG.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 với 10 dự án thành phần. Đây là một chính sách lớn, có tính bước ngoặt lịch sử, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.
Nhằm khẩn trương đưa chính sách vào cuộc sống, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình MTQG đã đề ra, trong đó Ủy ban Dân tộc được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì Chương trình, đồng thời trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện một số dự án, tiểu dự án thành phần.
Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng của Ủy ban Dân tộc đã rất khẩn trương, tích cực, tập trung trí tuệ tham mưu xây dựng dự thảo, đã tổ chức xin ý kiến góp ý nhiều lần. Đến nay, Dự thảo "Thông tư hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025" do Ủy ban Dân tộc quản lý đã cơ bản hoàn thiện.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nhấn mạnh đến việc gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình này với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách khác đang thực hiện trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện nhiều nội dung, dự án chính sách khác nhau, có những dự án, tiểu dự án. Nội dung thành phần được tích hợp từ nhiều chính sách, có những chính sách mới, có những chính sách được tiếp tục thực hiện từ giai đoạn trước.
Một số nội dung chính sách đã thực hiện từ giai đoạn trước được tích hợp vào các dự án, tiểu dự án, Nội dung thành phần của Chương trình như: Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”; Dự án 2 “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”; Nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên đối với các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn”...
Một số nội dung chính sách mới như: Nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị”, Nội dung số 03 thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3 “Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”; Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 4 “Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc”; Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 10 “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”...
Tại Hội thảo, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp Ủy ban Dân tộc thực hiện nội dung số 2 của Dự án 1. Tuy nhiên, cần làm rõ những đối tượng nào được đưa vào danh sách hỗ trợ, có tiêu chí rõ ràng, bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện... Khi người dân ở trong diện hỗ trợ, thì các cơ quan chức năng nghiệm thu chất lượng theo quy định như thế nào cần có hướng dẫn cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng chia sẻ: Tại Đắk Lắk, số hộ nghèo trong tỉnh chiếm 60%, trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chiếm 60%. Ông Y Giang đề nghị: Tại khoản 25, điều 26, hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước hộ nghèo, hộ cận nghèo... cần có quy định cụ thể. Còn tại điểm 2, điều 15 về mức đầu tư cho một công trình nước tập trung cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của công trình; tối đa không vượt quá 6 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến công trình nước sạch tập trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến cho rằng không nên ghi quy định “cứng” là 6 tỷ đồng. Nguồn vốn cần được “mở” để địa phương cần thiết khi kêu gọi thêm được nguồn vốn xã hội hóa để triển khai chương trình. Ngoài ra, ông Lò Văn Tiến cũng nêu ý kiến, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG ở các địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chính là đơn vị đầu mối, điều phối các công việc liên quan đến các sở, ngành... trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến, hiện Đắk Nông có nhiều dự án giao cho cấp xã làm chủ đầu tư nhưng khó khăn trong quyết toán công trình. Đó là lý do cần phân cấp mạnh mẽ cho cấp tỉnh, để tỉnh xem xét năng lực của từng xã sẽ lựa chọn đầu tư phù hợp.
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn, Ủy ban Dân tộc có thông tin cụ thể để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng dẫn các địa phương thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề liên quan phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số...
Tại Hội thảo, các đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình, thống nhất với bố cục, nội dung dự thảo của Thông tư. Đồng thời cũng đóng góp ý kiến cho từng nội dung cụ thể của Thông tư, các vấn đề bất cập chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, những quy định cần chỉnh sửa cho phù hợp, nhằm bảo đảm Thông tư ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai, thực hiện và phát huy hiệu quả cao nhất, góp phần đạt được các mục tiêu Chương trình đã đề ra.
Thông tư được xây dựng trên tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đúng đối tượng, đúng định mức, phát huy tinh thần vươn lên của người dân và cộng đồng; bảo đảm sự tham gia, giám sát của người dân trong quá trình bình xét đối tượng và triển khai các nội dung hỗ trợ của dự án; ưu tiên các đối tượng khó khăn hơn như: các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; đối tượng là nữ dân tộc thiểu số; đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ... trên địa bàn.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cũng nhấn mạnh tới việc xây dựng Dự thảo Thông tư theo hướng đa dạng hóa và lồng ghép các nguồn lực thực hiện chính sách, tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan, bố trí nguồn lực thực hiện hỗ trợ đồng bộ để đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc xây dựng trên cần tôn trọng các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống, thiết chế cộng đồng; bảo đảm các yếu tố thị trường, bình đẳng giới, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Việc sớm đưa các nội dung Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào thực tiễn càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đề nghị các vụ, đơn vị xây dựng dự thảo Thông tư cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, nghiên cứu tiếp tục bổ sung hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, nhằm sớm triển khai thực hiện Chương trình này tại địa phương, cơ sở.
Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 được thiết kế gồm 10 Chương, 98 Điều.