Hội thảo khoa học lịch sử Nhà tù Bà Rá

Ngày 20-8, Thị ủy Phước Long phối hợp Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học đề tài 'Lịch sử Nhà tù Bà Rá và phong trào đấu tranh chống chế độ lao tù (1945-1950)'. Tham dự hội thảo có nguyên lãnh đạo Thị ủy qua các thời kỳ, đại diện các ban, sở, ngành của tỉnh và các nhà khoa học.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔNG THỂ DI TÍCH

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Dung, nguyên Trưởng khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh), Chủ nhiệm đề tài cho biết: Tài liệu, sách chuyên khảo về Trại lao động đặc biệt Bà Rá rất hiếm, các nhân chứng lịch sử hầu hết đã qua đời; dấu tích, vật chứng còn lại ít ỏi nên đề tài chủ yếu dựa trên nguồn tài liệu từ Phông Thống đốc Nam kỳ của thực dân Pháp đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh). Vì vậy, đề tài được thực hiện bằng phương pháp tiếp cận toàn diện và liên ngành cùng công tác điều tra, khảo sát thực tế, xử lý, đánh giá nguồn tài liệu gốc đáng tin cậy. Sau thời gian thực hiện, đề tài đã làm sáng tỏ một số vấn đề cốt lõi, đó là: Sự thiết lập Trại lao động đặc biệt Bà Rá của thực dân Pháp dưới hình thức các “căng” là đáp ứng tức thì nhu cầu giam giữ tù nhân của chính quyền thực dân. Việc thành lập trại tù ở đây vừa đảm bảo các điều kiện lưu đày khắc nghiệt đối với thường dân, người yêu nước và chiến sĩ cách mạng, vừa sử dụng tay sai chiêu mộ từ đồng bào các dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân Việt Nam. Quy mô trại tương đối lớn, hình thức do chủ tỉnh Biên Hòa quản lý, nhưng thực chất nằm dưới sự giám sát và chỉ đạo chặt chẽ của Thống đốc Nam kỳ nên trại tù thuộc hạng cấp xứ trong hệ thống nhà tù thực dân Pháp ở Việt Nam. Trại này không chỉ giam tù nhân người Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành khác nhau mà cả tù nhân Campuchia. Cấu trúc trại tù là những dãy lán trại kết cấu tre nứa, gỗ, lợp tranh, bao bọc bên ngoài bằng những hàng rào dây kẽm gai. Đây không chỉ là trại lao động thuần túy mà thực chất là nhà tù trá hình. Chế độ giam cầm kiểm soát rất tàn bạo, tù nhân bị đày ải nơi lam sơn chướng khí, phải lao động khổ sai, chịu đựng bệnh tật, thiếu thuốc men, lương thực và chăm sóc y tế dẫn đến người tù bị chết dần, chết mòn. Tuy chế độ lao tù dã man, ác độc và thâm hiểm nhưng không làm lung lay ý chí đấu tranh của những người cách mạng kiên trung. Tù chính trị và thường phạm đều có hình thức đấu tranh và trở thành một bộ phận của phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ở Nam bộ trong thời kỳ chuẩn bị và tiến tới Cách mạng tháng Tám.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo lần này cũng đã đề xuất mô hình tổng thể di tích hệ thống Trại lao động đặc biệt Bà Rá và nội dung trưng bày lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng tại địa phương.

“ÐỊA CHỈ ĐỎ” GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

Hội thảo tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh và các nhân chứng lịch sử về nội dung đề tài lịch sử Nhà tù Bà Rá và phong trào đấu tranh chống chế độ lao tù (1940-1945). Đây là những nội dung quan trọng, cơ sở để thị xã Phước Long tiến hành phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử truyền thống trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Hoàng Thái, nguyên Bí thư Thị ủy Phước Long cho biết: Quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc sưu tầm các tư liệu, chứng cứ lịch sử liên quan đến lịch sử Nhà tù Bà Rá và phong trào đấu tranh chống chế độ lao tù. Bên cạnh đó, còn vướng mắc về quy trình, thủ tục trong thực hiện đề tài và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền thị xã, cố gắng của nhóm thực hiện đề tài, qua 3 năm kể từ khi tổ chức hội thảo lần thứ nhất, đến nay đề tài đã cơ bản hoàn thành các nội dung theo yêu cầu và tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử để bổ sung hoàn thiện. Đặc biệt, sau hội thảo lần thứ nhất, Thị ủy Phước Long đã đến thăm nhân chứng là tù nhân của trại cải tạo lao động đặc biệt Bà Rá còn sống cuối cùng, bà Hứa Thị Mau (102 tuổi) ở thành phố Bến Tre, chồng là ông Nguyễn Tẩn (nay cả hai đã mất) nguyên tù nhân của nhà tù và trao đổi cặn kẽ, tỉ mỉ để tìm hiểu thêm những thông tin quý giá về nhà tù.

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, nhằm đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân và lưu đày phu cao su bỏ trốn hoặc ai can tội “làm loạn”, thực dân Pháp đã xây dựng tại núi Bà Rá một Trại lao động đặc biệt. Nhưng bất kỳ trong điều kiện nào, những người cộng sản ở trong lao tù vẫn luôn hướng về Đảng, biến nhà tù thành nơi đối đầu trực tiếp với kẻ thù. Cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù ở Bà Rá đã bùng nổ, trong đó những người yêu nước và cách mạng đã nêu cao tinh thần bất khuất, anh dũng, giữ vững ý chí kiên cường, vượt ngục về với nhân dân, góp phần phục hồi cách mạng sau Khởi nghĩa Nam kỳ và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.

Vì vậy, việc phục dựng di tích Trại lao động đặc biệt Bà Rá sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” cho hoạt động về nguồn, phục vụ giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, di tích này sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong dự án quần thể văn hóa cứu sinh Bà Rá đã và đang được quy hoạch, xây dựng.

Phương Dung

Xem thêm: Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2020)

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/hoi-thao-khoa-hoc-lich-su-nha-tu-ba-ra-595619