Hội thảo khoa học ''Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước''

Thiết thực kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng 1-10, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước'.

Quang cảnh hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.

Sự kiện nhằm khẳng định các nguồn tư liệu thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền định đô và xưng vương ở Cổ Loa nói riêng; đưa ra những cơ sở khoa học phục vụ Dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa và nghiên cứu xây dựng kịch bản lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa mang tính chất Quốc lễ thường niên.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ôn lại giai đoạn lịch sử, công lao, chiến công hiển hách của Ngô Quyền, góp phần lập nên nhà nước tự chủ và độc lập, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo.

Ngô Quyền sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội); là người tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú, được Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ chọn làm nha tướng, yêu mến, gả con gái và giao cho cai quản châu Ái (Thanh Hóa ngày nay).

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết hại, đoạt chức khiến trong dân oán thán và ngoài bờ cõi giặc giã thừa cơ xâm lấn. Trước nguy cơ này, năm 938, Ngô Quyền từ vùng Ái Châu đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn rửa thù rồi tiến ra cửa biển Bạch Đằng đón quân xâm lược. Dựa vào thủy triều cùng kế sách cắm cọc lòng sông vây hãm quân giặc, Ngô Quyền đã giành đại thắng trên sông Bạch Đằng.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: "Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ "đồng hóa" của chủ nghĩa Đại Hán tộc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở để mùa xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa - Kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944".

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng nêu rõ, sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam. Công lao to lớn của Ngô Quyền đối với đất nước, sử sách nước ta trong nhiều thập kỷ vừa qua đã xác định rõ, song giới sử học và các cơ quan liên quan vẫn đặt ra nhiệm vụ tiếp tục sưu tầm thêm tài liệu và nghiên cứu sâu sắc hơn về Ngô Quyền. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, một số cuộc hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền đã được tổ chức; nhiều công trình nghiên cứu về Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng được công bố trên các sách và tạp chí chuyên ngành. Những nguồn tư liệu, tài liệu này được tổng hợp tương đối đầy đủ thông qua các kết quả nghiên cứu về Ngô Quyền trong những năm gần đây do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước" nhằm thêm một lần nữa khẳng định rõ các nguồn tư liệu, thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền định đô và xưng Vương ở Cổ Loa nói riêng; khẳng định những đóng góp to lớn của Ngô Quyền trong việc xây dựng triều Ngô trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính: Ngô Quyền và triều Ngô tại kinh đô Cổ Loa; sự nghiệp trung hưng đất nước của Ngô Quyền - Di sản và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị. Với hơn 20 tham luận, nhiều ý kiến phân tích, bình luận, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý di sản cùng làm rõ bối cảnh lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ X, thân thế, sự nghiệp Ngô Quyền; ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc; công cuộc xưng vương, định đô ở Cổ Loa và những đóng góp của Ngô Quyền xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định, sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa vào mùa Xuân năm 939 có ý nghĩa tiếp nối truyền thống An Dương Vương, phục hồi lại quốc thống..., đã tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X, đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc, xứng là vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, những di sản liên quan đến Ngô Quyền cũng như hướng nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị là nhiệm vụ quan trọng nhằm vinh danh công lao to lớn của Đức vua Ngô Quyền với đất nước. Hội thảo là bước nghiên cứu cần thiết để đưa ra những cơ sở khoa học phục vụ Dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Cổ Loa và nghiên cứu xây dựng kịch bản Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng với các đại biểu dự hội thảo.

Tham luận về nghệ thuật quân sự trong trận chiến ở cửa sông Bạch Đằng năm 938, PGS.TS Lê Đình Sỹ (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) nêu rõ, Ngô Quyền xác định mưu lược đánh giặc trên cơ sở phân tích chính xác tương quan lực lượng giữa ta và địch. Trận địa cọc ngầm là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật thủy chiến Việt Nam mà Ngô Quyền là người khởi xướng đầu tiên. Đây cũng là trận đánh biết lợi dụng con nước thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc, là di sản để lại cho thế hệ sau về nghệ thuật đánh giặc của cha ông, luôn có giá trị thực tiễn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Ở khía cạnh nghiên cứu khác, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn (Hội Sử học Hà Nội), Vương triều Ngô được thành lập và tồn tại trong thời gian khá ngắn (939-965); Ngô Quyền tại vị khoảng 6 năm (939-944) nên có lẽ vì lý do đó mà các vua triều Ngô chưa để lại dấu ấn lớn ở Cổ Loa, nhưng những tư liệu dân gian và đặc biệt là đôi câu đối trong Đình Cổ Loa cho thấy rõ, Cổ Loa là nơi đóng đô của Ngô Quyền.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, kết quả của Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước" là nguồn tư liệu khoa học nhằm khẳng định vị trí và vai trò của Ngô Quyền và triều Ngô trong tiến trình lịch sử Việt Nam, cũng như những đóng góp về mặt lịch sử, khoa học đối với di tích Cổ Loa, củng cố cơ sở khoa học phục vụ dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền để tỏ lòng thành kính đối với vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam; xây dựng kịch bản tổ chức lễ hội thường niên tại Cổ Loa để tưởng nhớ công lao to lớn của người Anh hùng dân tộc.

"Cả hai nội dung này thành phố đã chỉ đạo nghiên cứu, quyết định thực hiện trong thời gian tới, trong đó, việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền được định hình theo quy hoạch 1/2000 đã được Thủ tướng phê duyệt; Thành ủy, UBND thành phố đã có chủ trương. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và các nhà khoa học đã nghiên cứu, chuẩn bị địa điểm xây dựng mô hình kiến trúc bước đầu. Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh cũng đã có văn bản báo cáo với Thành ủy, UBND thành phố xin được giao phần nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện trong thời gian tới", Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý thông tin.

Triển lãm trưng bày tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long từ ngày 1 đến 4-10, sau đó sẽ được đưa về trưng bày tại Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) đến hết tháng 11-2020.

Thanh Thủy - Ảnh: Bá Hoạt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/979674/hoi-thao-khoa-hoc-ngo-quyen---vi-to-trung-hung-dat-nuoc