Hội thảo phát triển địa phương 'Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch COVID-19'

Chiều 13/10, Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan hợp tác Quốc tế của Hoa Kỳ phối hợp với Thường trực các tỉnh, thành ủy trong cả nước tổ chức hội thảo phát triển địa phương với chủ đề 'Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch COVID-19: khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương'.

Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Ninh Bình.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của 63 điểm cầu trong cả nước. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì hội thảo tại điểm cầu tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia HCM, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Hội thảo là hoạt động thiết thực, nhiều ý nghĩa nhằm triển khai, cụ thể hóa các kết luận rất quan trọng của hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về một số vấn đề phát triển kinh tế- xã hội trên tinh thần đổi mới tư duy, phương thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh; thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19.

Đây cũng là dịp để các địa phương cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay trong việc vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế- xã hội, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong tình hình mới.

Kết quả hội thảo sẽ là cơ sở khoa học giúp các địa phương khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, các kịch bản cụ thể, sát thực hơn với tình hình thực tế, mang tính khả thi cao để trong thời gian sớm nhất có thể ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh COVID- 19, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới: khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội.

Với tinh thần trao đổi khoa học, thẳng thắn, cởi mở, tại hội thảo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học đã phát biểu thảo luận sâu sắc về các vấn đề: giải pháp giảm các rủi do về y tế để bảo đảm an toàn cho người dân làm tiền đề quan trọng để từng bước mở cửa nền kinh tế.

Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; sự phối hợp giữa các địa phương, nhất là trong giao thông, trong đồng hành với doanh nghiệp; các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch và bảo đảm quá trình phục hồi kinh tế bền vững cả trước mắt và lâu dài.

Phát biểu bế mạc và tổng kết tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu. Tiếp cận vấn đề từ đánh giá những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với mỗi quốc gia, với quốc tế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng hiện nay vấn đề thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh là yêu cầu bắt buộc đối với đất nước ta hiện nay, trong đó phương thức đó là: 5K +Vắc xin+ công nghệ+ý thức của người dân +các biện pháp có thể.

Đề cập đến một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc chuyển từ quản lý không COVID-19 sang quản lý rủi ro, là một trong những thích ứng, trong đó phải tăng cường hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, hạn chế tử vong.

Trong lãnh đạo phải tập trung thống nhất, trong tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp với tình hình; phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường nguồn lực thực hiện; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Tập trung khôi phục sản xuất, chú trọng kết nối lại thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu. Chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cả tinh thần và vật chất cho người dân. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng những khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19 là cơ hội để Việt Nam biến nguy thành cơ, để tạo sự thay đổi trong cách thức quản lý; phải khơi dậy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, đưa đất nước vượt lên.

Thủ tướng nhấn mạnh: Yếu tố cốt lõi để chúng ta đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh dựa vào 3 trụ cột chính, đó là: Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng của nhân dân; việc ứng dụng các biện pháp khoa học chống dịch, dự phòng bằng vaccine và các biện pháp chữa trị cùng với thuốc.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án, kịch bản phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch COVID-19, bảo đảm sát thực tiễn, mang tính khả thi cao.

Mai Lan - Đức Lam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-phat-trien-dia-phuong-phuc-hoi-kinh-te-thich-ung/d20211013175330310.htm